Ông Ahn Ki-hyun, đại diện Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, đã kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc cam kết các khoản đầu tư dài hạn để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Các chuyên gia ước tính rằng, nếu Hàn Quốc đầu tư vào một nhà máy đúc chip trị giá 13,9 tỷ USD với năng lực cạnh tranh tương đương TSMC, ngành công nghiệp này có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 208,7 tỷ USD cho quốc gia này vào năm 2045.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu khoản đầu tư 13,9 tỷ USD có đủ để xây dựng một nhà máy sản xuất chip hiện đại hay không. Thách thức khác là liệu KSMC có thể phát triển công nghệ tiên tiến và thu hút đủ đơn đặt hàng để đạt được lợi nhuận bền vững hay không.
Kế hoạch này của Hàn Quốc nhằm khắc phục các điểm yếu trong ngành, chẳng hạn thiếu các công nghệ xử lý tiên tiến, tụt hậu cả về công nghệ thiết kế và sản xuất chip so với các công ty khác trong ngành. Cùng với đó, các công ty bán dẫn nhỏ hơn đang phải vật lộn để phát triển mạnh khi Hàn Quốc thiếu sự đa dạng về sản xuất. Thế nhưng, tại Đài Loan, các công ty như UMC và PSMC tập trung vào các nút trưởng thành và đặc biệt bổ sung cho các công nghệ quy trình tiên tiến của TSMC.
Mặc dù Hàn Quốc đang giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ, quốc gia này vẫn bị đánh giá là tụt hậu đáng kể so với Đài Loan về công nghệ xử lý logic và thiết kế chip. Khoảng cách này càng trở nên rõ rệt trong những năm gần đây, làm gia tăng áp lực cải tổ.
Theo các báo cáo, ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm khoảng cách công nghệ ngày càng rộng với các đối thủ quốc tế, thiếu sức hút đối với đầu tư, sự phát triển yếu kém của các doanh nghiệp nhỏ, tình trạng khan hiếm nhân tài và những quy định ràng buộc. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng Hàn Quốc cần đối mặt trực diện với những vấn đề này để bảo vệ và củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành bán dẫn toàn cầu.
Học viện Kỹ thuật Quốc gia Hàn Quốc (NAEK) đã kêu gọi Chính phủ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời áp dụng các ưu đãi tài chính như trợ cấp và tín dụng thuế. Ngoài ra, NAEK cũng đề xuất giảm bớt các rào cản pháp lý, đặc biệt liên quan đến giờ làm việc, để thúc đẩy môi trường kinh doanh và đổi mới.
Ít ai biết rằng, dù Morris Chang là người sáng lập TSMC, nhưng thành công của tập đoàn này gắn liền với tầm nhìn chiến lược của chính quyền Đài Loan. Từ những năm 1980, Đài Loan đã sớm nhận ra tiềm năng của ngành bán dẫn và xây dựng một kế hoạch phát triển chi tiết nhằm đưa ngành này trở thành động lực kinh tế quốc gia. Mặc dù TSMC không phải là nhà sản xuất bán dẫn duy nhất tại Đài Loan, nhưng vai trò tiên phong của tập đoàn này là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn tại quốc gia này.
Lấy cảm hứng từ thành công của Đài Loan, sáng kiến của NAEK hướng tới việc xây dựng một "TSMC thứ hai" tại Hàn Quốc. Với sự hỗ trợ từ chính phủ, KSMC được Hàn Quốc kỳ vọng có tiềm năng tái hiện mô hình thành công của Đài Loan, tạo điều kiện cho các công ty nhỏ hơn tiếp cận nguồn lực cần thiết để phát triển bên cạnh những "ông lớn" trong ngành như Samsung và SK Hynix.
Giám đốc điều hành SK Hynix, ông Kwak No-jung, đã đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho các nhà cung cấp nhỏ trong lĩnh vực vật liệu, phụ tùng và thiết bị. Động thái này không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho các tập đoàn lớn, vốn đang phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Nhật Bản và Đài Loan, làm gia tăng chi phí sản xuất.
Chưa rõ dự án này có thành hiện thực không, song ý tưởng về xưởng đúc KSMC đã thể hiện tham vọng của Hàn Quốc trong việc đảm bảo vị trí của mình trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu, đồng thời đưa ra các hướng đi mới để giải quyết các điểm yếu cơ bản trong lĩnh vực bán dẫn của mình. Các chuyên gia Hàn Quốc nhấn mạnh với các khoản đầu tư kịp thời và tập trung vào tăng trưởng hệ sinh thái, Hàn Quốc có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo ra lợi ích kinh tế dài hạn đáng kể.