Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Công nghiệp Bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chuỗi cung ứng bán dẫn của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, hiện đã thu hút khoảng 174 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 11,6 tỷ USD.
Những "gã khổng lồ" công nghệ trong ngành đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với Việt Nam. Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt với phái đoàn Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA).
Trong nỗ lực hiện thực hóa tham vọng của Chính phủ là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ vào năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ nên nhanh chóng thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư và ban hành nghị định về việc thực hiện chi tiết Luật Đầu tư mới được sửa đổi để khuyến khích và kích thích đầu tư vào ngành bán dẫn; xem xét, sửa đổi và bổ sung các quy định về xuất nhập khẩu để giảm thời gian cần thiết để tuân thủ các thủ tục xuống còn 2-3 giờ nhằm cải thiện sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh của đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề xuất phát triển một hệ thống cung cấp điện và nước ổn định và các cơ sở xử lý chất thải để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp bán dẫn và một bộ tiêu chí để đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin rằng cơ quan này thời gian qua đã có một số phiên làm việc với các đại gia công nghệ toàn cầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... để thảo luận về các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Về lợi thế phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm và nằm ở một khu vực địa lý thuận lợi chiếm 70% sản lượng bán dẫn của thế giới. Thị trường bán dẫn Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế chip với lực lượng lao động hơn 6.000 kỹ sư; 7 nhà máy thử nghiệm và đóng gói với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên.
Trước đó, tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 với lộ trình 3 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 2024- 2030, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực.
Giai đoạn này đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10- 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10- 15%.
Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 2030- 2040 sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.
Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15- 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15- 20%.
Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 2040- 2050 sẽ hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20- 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20- 25%.