Theo báo cáo xu hướng nhu cầu vàng toàn cầu mới được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, nhu cầu tiêu dụng vàng của Việt Nam trong quý 4/2022 đạt gần 14 tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm qua.
Báo cáo của tổ chức có trụ sở ở London, Anh cho biết trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam đạt 13,5 tấn, tăng. 58% so với mức 8,5 tấn ghi nhận vào cùng kỳ năm 2021.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ được ghi nhận ở cả vàng miếng và vàng trang sức. Trong đó, nhu cầu vàng miếng đạt 9 tấn trong quý 4, tăng 48% so với mức 6,1 tấn cùng kỳ năm trước. Nhu cầu vàng trang sức đạt 4,5 tấn, tăng hơn 80% so với mức 2,5 tấn cùng kỳ năm trước.
Cả năm 2022, Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021.
“Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vực ASEAN năm 2022, với mức tăng 37% so với năm 2021”, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc của WGC, nhấn mạnh. Ông Naylor nói thêm rằng “có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ này, bao gồm sự giảm nhẹ của giá vàng trong nước trong quý 4, mức thu nhập ở một số ngành nghề tăng trở lại như trước, và niềm tin được củng cố của người tiêu dùng về tăng trưởng kinh tế”.
Cũng theo ông Naylor, Việt Nam còn dẫn đầu khu vực về tăng trưởng nhu cầu trang sức trong năm 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021, đạt 18 tấn - mức cao nhất trong 14 năm qua.
Trên phạm vi toàn cầu, báo cáo của WGC cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng (không bao gồm thị trường OTC) trong năm 2022 tăng gần 18% so với năm 2021, đạt 4.741 tấn - mức cao nhất kể từ năm 2011 và được thúc đẩy nhiều bởi nhu cầu cao chưa từng thấy trong quý 4.
Một nhân tố quan trọng dẫn tới nhu cầu vàng toàn cầu cao nhất 11 năm trong năm qua là xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương. Nhóm này đã tăng gấp đôi mức mua ròng vàng, lên mức 1.136 tấn trong năm 2022 từ mức 450 tấn trong năm 2021. Đây là mức mua ròng vàng lớn nhất của các ngân hàng trung ương trong 55 năm qua.
Đặc biệt trong quý 4, các ngân hàng trung ương mua ròng 417 tấn vàng, nâng tổng lượng mua ròng trong nửa cuối năm lên hơn 800 tấn vàng.
Nhu cầu đầu tư (không bao gồm thị trường OTC) năm 2022 tăng 10% so với năm trước, trong đó nhu cầu của quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng giảm mạnh nhưng được bù đắp bởi mức tăng mạnh của nhu cầu đầu tư vàng thỏi và xu vàng.
“Năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến nhu cầu vàng hàng năm đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu khổng lồ của các ngân hàng trung ương đối với tài sản trú ẩn an toàn. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao thúc đẩy sự đầu tư vào vàng thỏi và vàng xu, cộng hưởng với các yếu tố thúc đẩy nhu cầu khác, đã cân bằng lại lượng vàng bán đi khỏi các quỹ ETF. Việc các quỹ ETF bán ròng vàng vốn là sự phản ứng tức thời mang tính chiến thuật trước việc gia tăng lãi suất. Và cuối cùng, nhu cầu đầu tư vàng vẫn tăng 10% so với năm trước”, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Louise Street của WGC nhận xét.
Nhu cầu trang sức toàn cầu giảm 3% trong năm 2022, còn 2,086 tấn. Sự suy giảm này phần lớn đến từ sự sụt giảm 15% nhu cầu trang sức tại Trung Quốc, trong bối cảnh nước này áp dụng chính sách chống dịch ngặt nghèo Zero Covid.
Tổng nguồn cung vàng trên toàn cầu năm 2022 duy trì được sự tăng trưởng, với mức tăng 2% so với năm 2021, đạt mức 4.755 tấn và vẫn cao hơn mức trước đại dịch. Trong đó, sản lượng khai mỏ vàng đạt mức 3.612 tấn - mức cao nhất trong 4 năm qua.