Công trình dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025 và hoàn thành sau 3 năm thi công với thời gian thu phí hoàn vốn là 18 năm 8 tháng, theo nội dung tờ trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa gửi Hội đồng Thẩm định TP.HCM.
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, công trình cầu Thủ Thiêm 4 qua sông Sài Gòn dài 2,1 km gồm 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn thô sơ); trong đó phần cầu chính dài 1,6 km. Vận tốc thiết kế 60 km/h.
Công trình có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh (1), đi dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, rẽ trái tại ngã tư Huỳnh Tấn Phát (2) nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7). Sau đó công trình tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối khu đô thị mới Thủ Thiêm tại giao lộ đường Nguyễn Cơ Thạch - Bùi Thiện Ngộ. Tại các nút giao (1) và (2) sẽ xây các cầu vượt.
Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư theo dự toán sơ bộ là 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 320 tỷ đồng). Chia ra: Vốn ngân sách thành phố khoảng 2.826,3 tỷ đồng (49,5% tổng mức đầu tư, không bao gồm lãi vay); vốn huy động BOT khoảng 2.883,4 tỷ đồng (50,5% tổng mức đầu tư, không bao gồm lãi vay).
Dự án công trình cầu Thủ Thiêm 4 thuộc dự án nhóm A, do Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư và người quyết định đầu tư dự án là chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM.
Về cấu trúc, cầu Thủ Thiêm 4 có thiết kế nhịp nâng, có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không từ 15 m lên tối đa 45 m, giúp các tàu lớn lưu thông trên sông Sài Gòn vào trung tâm thành phố. Kết cấu nhịp chính là dầm thép, bố trí 2 trụ tháp bê tông cốt thép cùng với hệ nâng, nhịp dẫn sử dụng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết, hiện khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ kết nối giao thông với khu trung tâm hiện hữu tại địa bàn quận 1 và quận Bình Thạnh, chưa kết nối được với quận 4, quận 7 và khu đô thị Nam Sài Gòn. Vì vậy, công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được chính quyền Thành phố xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để từng bước đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu, theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Sở này cũng cho biết sẽ đề xuất trình Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 trong quý I-2024. Nếu được thông qua, công trình sẽ khởi công trong năm 2025, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2028. Thời gian nhà đầu tư thu phí công trình để hoàn vốn đến năm 2048.
Việc sớm xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - đường Lưu Trọng Lư - đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Tân Thuận,...
Ngoài ra, dự án còn nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thúc đẩy và phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Nam Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội của TP.HCM.
Trước đó, ngày 18/8/2023, tại hội thảo có chủ đề “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn”, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề: Với lịch sử 300 năm phát triển, TP.HCM muốn định danh mảnh đất này, hay biểu tượng “Thương cảng Sài Gòn” có còn được giữ gìn trong tương lai hay không?... Các ý kiến đề nghị lãnh đạo TP.HCM phải tính toán trước khi bàn đến phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4.
Tại sự kiện này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (con trai KTS. Ngô Viết Thụ, tác giả thiết kế Dinh Độc Lập) đã nhắc đến dự án cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2) là một trong các biểu tượng của thành phố. Ông cho rằng, thành phố đã phải “hy sinh” cả hàng cổ thụ nổi tiếng của Sài Gòn 300 năm dọc đường Tôn Đức Thắng để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Ông khuyến nghị: “Khi xây cầu phải xem cầu nối hai bên bờ có gì thì phải ứng xử cho phù hợp, cân nhắc giữ gì, bỏ gì”.