Ngày 30/5, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội tổ chức lễ hợp long cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
RỐT RÁO HOÀN THIỆN ĐỂ THÔNG XE TRƯỚC NGÀY 2/9
Phát biểu tại lễ hợp long, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định việc hợp long cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng đánh dấu một mốc sự kiện quan trọng của công trình, đó là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được nối liền giữa hai phần dầm cầu đúc hẫng bờ phía quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên, hoàn thành công tác thi công dầm chính vượt sông Hồng và hoàn chỉnh công tác thi công cầu toàn tuyến từ bờ hữu sông Hồng sang bờ tả sông Hồng. Đây là tiền đề quan trọng để dự án bám sát mục tiêu thông xe vào đầu tháng 9/2023.
Ban quản lý dự án và các nhà thầu sẽ tập trung thực hiện các công việc còn lại để thông xe đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 2/9 và hoàn thiện tổ chức giao thông đồng bộ toàn dự án kể cả giai đoạn 1 xong trước ngày 10/10, để chính thức lưu thông mỗi bên 4 làn xe, trong đó, có 3 làn xe ô tô, 1 làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ).
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công vào ngày 9/1/2021 với quy mô thiết kế về kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, với tổng chiều dài khoảng 3.473m, mặt cắt ngang cầu rộng 19,25m.
Cầu có 8 nhịp chính, kết cấu cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, các nhịp cầu được đúc hẫng cân bằng dài 955m, khẩu độ vượt nhịp lớn nhất 135m.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng sử dụng ngân sách thành phố, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 tại TP. Hà Nội; đồng thời, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy 1 và 2 có tổng cộng có 8 làn xe, trong đó có 4 làn xe ô tô, 2 làn đường xe buýt và làn xe thô sơ. Sau khi hoàn thiện cả hai giai đoạn sẽ là cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.
DỒN LỰC THỰC HIỆN, RÚT NGẮN 1,5 NĂM SO VỚI GIAI ĐOẠN 1
Liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính là nhà thầu thi công gói thầu XL1 có giá trị khoảng 1.154 tỷ đồng (gồm cả dự phòng), tiến độ hoàn thành trong 24 tháng. Đây là gói thầu có quy mô lớn và quan trọng nhất của dự án.
Ngoài gói thầu XL1, Vinaconex còn đảm nhiệm thi công tại gói thầu XL05 thi công xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Long Biên với giá trúng thầu 100,688 tỷ đồng, thực hiện trong 17 tháng.
Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu nhiều tác động tiêu cực khi đại dịch Covid-19 bùng phát; nguồn cung ứng nhiên vật liệu gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng có những biến động bất thường, điển hình như thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 40-50% khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn lưu động phục vụ cho dự án đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án…
Tuy nhiên, các đơn vị thi công nỗ lực quyết tâm, tìm ra những giải pháp hữu hiệu vượt qua các trở ngại để sau thời gian hơn 2 năm tổ chức thực hiện, đến nay, công trình hoàn thành thi công các khối đúc cân bằng và khối đúc trên đà giáo của chuỗi 8 nhịp cầu liên tục và tổ chức hợp long nhịp cầu chính giữa sông.
Bên cạnh đó, với việc dự án được thực hiện bởi 100% kỹ sư và công nhân người Việt Nam, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ thi công mới để giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Điều này chứng minh năng lực, chuyên môn vượt bậc của các kỹ sư, công nhân tham gia dự án.