Tại diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các doanh nghiệp cho rằng hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
CUNG - CẦU CHƯA GẶP NHAU
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết trong 20 năm qua, Viện đã phát triển, chuyển giao nhiều giống cây trồng. Trong đó có 106 giống được gắn với các chương trình kinh tế - xã hội của Nhà nước. Nếu như trước đây, việc chuyển giao giống mới cho nông dân phụ thuộc các chương trình, dự án phát triển kinh - xã hội, thì gần đây, Viện trực tiếp liên kết với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký với Viện.
“Viện cũng có nhiều hình thức đổi mới, mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia, như việc doanh nghiệp đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện có 18/106 giống theo mô hình này. Có 8 giống được đầu tư từ đầu. 10 giống là được đầu tư trong lúc đang nghiên cứu”, ông Sơn thông tin.
"Doanh nghiệp và người dân có nhiều ý tưởng mong muốn có tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, thế nhưng các nhà khoa học chưa tiếp cận được nguồn thông tin. Do đó, cần xây dựng một không gian, diễn đàn để bà con nông dân, doanh nghiệp đưa ra ý tưởng, các nhà khoa học có thể căn cứ vào đó để nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, khi nghiên cứu được triển khai, công bố trên cơ sở dữ liệu đó, nông hộ có thể tìm hiểu thông tin, chủ động tiếp cận".
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu.
Dẫu vậy, khi nói về vấn đề hợp tác, đại diện doanh nghiệp nông nghiệp ở Vĩnh Phúc nêu thực tế rằng doanh nghiệp này đang trồng khoai tây, nhưng càng trồng càng lỗ, vì thiếu khâu chế biến.
“Khoai tây cho nhà hàng, khách sạn làm BBQ thì 100% nhập khẩu với giá ít nhất 50.000 đồng/kg, trong khi nông dân trong nước trồng ra chỉ bán được vài nghìn đồng/kg. Như thế làm sao chúng ta cạnh tranh được? Mục tiêu của chúng ta là nông dân phải giàu, chứ không bỏ ruộng. Chúng tôi rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với chúng tôi, để chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến”, vị này nói.
5 KIẾN NGHỊ ĐỂ THÚC ĐẨY HỢP TÁC
Để thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, trong điều kiện ngân sách nghiên cứu còn hạn chế, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị.
Một, đề nghị sửa đổi Nghị định 70/2018/NĐCP cho phù hợp với quy định mới đã sửa đổi trong Luật Sở hữu trí tuệ và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ngành nông nghiệp. Hiện nay đã có Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 số 07/2022/QH15, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có thông tư hướng dẫn giao quyền quản lý và sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, việc hợp tác chuyển giao rất khó thực hiện do các quy định trong các văn bản còn chưa thống nhất.
Hai, cần có cơ chế tuyển chọn các dự án nghiên cứu theo hình thức đặt hàng, gắn sản xuất với thị trường và cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được tham gia một cách minh bạch vào các dự án tài trợ, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ các bên nhằm huy động nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu.
Ba, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng các dự án hợp tác công tư thí đểm theo chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh nhằm kết nối hoàn chỉnh từ cơ sở nghiên cứu - ứng dụng chuyển giao - sản xuất kinh doanh - xây dựng thương hiệu phục vụ cho phát triển bền vững. Cần có cơ chế gắn bó và chia sẻ rõ ràng về lợi ích.
Bốn, đổi mới cơ chế chuyển giao theo hướng thị trường, minh bạch, công khai tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình định giá nhằm nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất giúp nâng cao năng suất và thu nhập cho bà con nông dân.
Năm, cần có cơ chế để các viện có thể mở rộng hợp tác quốc tế khai thác nguồn gen tiên tiến và cơ chế để tái sản xuất mở rộng và nuôi dưỡng nguồn lực cho các cơ sở nghiên cứu công lập...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2024, phát hành ngày 15/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam