Tám cơ quan Thái Lan đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) theo Dự án hợp tác Thai-German Cooperation on Energy, Mobility and Climate (TGC EMC) để chứng minh cam kết hợp tác hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của Thái Lan.
Các cơ quan ký kết bao gồm: Cục Biến đổi Khí hậu và Môi trường, Văn phòng Tài nguyên và Kế hoạch Môi trường, Văn phòng Chính sách và Kế hoạch Năng lượng, Cục Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng, Văn phòng Chính sách và Kế hoạch Giao thông Vận tải, Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp và Chính quyền Bangkok.
Các tổ chức này cùng phối hợp để điều chỉnh chính sách và chiến lược khí hậu của Thái Lan với sự hợp tác của Đức, dưới sự bảo trợ của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Đức.
TGC EMC nằm trong khuôn khổ Sáng kiến hợp tác Khí hậu Thái - Đức, do Bộ Kinh tế và Hành động vì Khí hậu Đức hỗ trợ, nhằm mục đích hỗ trợ Thái Lan đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2065.
Nền tảng của sự hợp tác này là khái niệm “liên kết các ngành”, không tập trung vào một lĩnh vực cụ thể mà xem xét các thách thức về khí hậu theo bản chất toàn diện, cần được giải quyết thông qua hợp tác nhiều lớp theo cách liên ngành. Tại đây, các đối tác không chỉ cam kết hợp tác mà còn làm việc liên ngành, tạo ra một khuôn khổ hợp tác được thiết kế để thúc đẩy các tham vọng về khí hậu của Thái Lan.
Cụ thể, mô hình này kết nối việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng trong các lĩnh vực khác nhau như giao thông vận tải, nông nghiệp và công nghiệp để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải CO₂. Cách tiếp cận tích hợp này cho phép tạo ra một mạng lưới hợp tác giữa các bên liên quan, tăng cường nỗ lực chuyển đổi năng lượng bền vững.
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Thái Lan Ernst Reichel khẳng định: Đức cam kết sâu sắc hướng tới tương lai trung hòa carbon, cả trong nước và thông qua các quan hệ đối tác trên toàn thế giới. TGC EMC- sự hợp tác giữa Thái Lan và Đức, là ví dụ điển hình cho cách tiếp cận liên ngành khi kết hợp chuyên môn của hai quốc gia.
Quan hệ đối tác liên ngành độc đáo này đóng vai trò là mô hình cho hành động toàn diện về khí hậu trên các lĩnh vực chính, từ năng lượng và giao thông đến công nghiệp và sinh khối.
"TGC EMC giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua cách tiếp cận hợp tác và toàn diện, liên ngành," Đại sứ cho biết. "Sự tích hợp toàn diện này là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng thành công và khử carbon của các lĩnh vực có tác động cao. Chỉ bằng cách liên kết các lĩnh vực này mới có thể tối đa hóa tiềm năng cho một tương lai sạch hơn và bền vững hơn".
Chia sẻ điều này, ông Phirun Saiyasitpanich, Tổng giám đốc Cục Biến đổi khí hậu và Môi trường (DCCE), nhấn mạnh việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa 8 tổ chức đối tác chứng minh cam kết của các đối tác chính phủ trong thúc đẩy dự án TGC EMC phù hợp với các mục tiêu trung hòa carbon của Thái Lan.
"Sự kiện này đóng vai trò then chốt đối với công việc của TGC EMC vì nó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tích hợp giữa các lĩnh vực khác nhau hoặc "liên kết giữa các ngành" trong việc hỗ trợ Thái Lan trong nỗ lực đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050," ông nhấn mạnh.
Ông Saiyasitpanich cũng cho biết thêm: TGC-EMC đang tích cực hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ Thái Lan phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, tăng cường chính sách và thử nghiệm cũng như mở rộng các lộ trình chuyển đổi. Đặc biệt, Sáng kiến Tài chính Khí hậu Thái Lan (ThaiCI), với ngân sách 4 triệu Euro, sẽ được thành lập để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án biến đổi khí hậu tại địa phương ở Thái Lan.
“Việc vượt qua những nỗ lực riêng lẻ của từng ngành và phối hợp làm việc theo cách tích hợp là điều thiết yếu để chúng ta đạt được tiềm năng và hoài bão của mình," ông Saiyasitpanich nhận định.
Còn theo Giám đốc Dự án TGC EMC, bà Insa Illgen, dự án cùng với các đối tác, cam kết hỗ trợ Thái Lan trong ba năm tới để thực hiện các hành động chuyển đổi. Chương trình hoàn toàn phù hợp với mục tiêu trung hòa khí hậu năm 2050 của Chính phủ Thái Lan.
Để thực sự tạo ra sự khác biệt, bà Insa Illgen cho rằng không thể chỉ ưu tiên điện và tập trung vào tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo mà phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo trên tất cả các lĩnh vực. Đây là những yếu tố quan trọng khi nói đến sự "liên kết các ngành.
Liên kết các ngành là một khái niệm mới ở Thái Lan và có thể gặp khó khăn trong việc triển khai. Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho biết: “Một số lĩnh vực, như các trạm sạc xe điện, đã tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo nguồn cung năng lượng tái tạo, chẳng hạn bằng cách sử dụng các chứng nhận năng lượng tái tạo (REC) để đạt mục tiêu sử dụng năng lượng xanh 100%”. Đây có thể là nguồn cảm hứng cho các ngành khác, thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp năng lượng bền vững và sáng tạo.