November 29, 2021 | 16:08 GMT+7

Hướng tới thành phố công nghiệp hiện đại, công nghệ cao

Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

Với diện tích nhỏ nhất nước nhưng năm 2020, Bắc Ninh lại đứng đầu toàn quốc về giá trị sản xuất công nghiệp, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và thứ tám về quy mô GRDP. Đó là những bước phát triển tạo tiền đề đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương...

Bắc Ninh hướng tới thành phố công nghiệp hiện đại trong tương lai.
Bắc Ninh hướng tới thành phố công nghiệp hiện đại trong tương lai.

Với những lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, tỉnh Bắc Ninh đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021). Đây là cơ sở thuận lợi nhưng cũng đồng thời là thách thức bởi để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung đầu tư đưa quy mô đô thị phải chiếm đa số diện tích so với các huyện.

XUẤT HIỆN NHỮNG TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP, ĐIỆN TỬ VIỄN THÔNG

Suốt chiều dài lịch sử của mình, Bắc Ninh đã nhiều lần thay đổi tên gọi hành chính nhưng vai trò là một trong “tứ trấn” trọng yếu của Thăng Long thì không thay đổi. Nhắc đến Bắc Ninh, nhiều người vẫn nói đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nền văn hóa hào hoa, tâm linh cùng những di tích lịch sử, những làng nghề, lễ hội phản ánh sự phát triển theo từng thời kỳ của trấn Kinh Bắc.

Khi mới tái lập tỉnh cách đây hơn 20 năm, Bắc Ninh còn nhiều khó khăn. Song với quyết tâm cao, sự đoàn kết, dám nghĩ dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Bắc Ninh có bước đột phá mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Năm 2020, Bắc Ninh đạt giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai, GRDP/ người đứng thứ ba, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đứng thứ năm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (lũy kế) đứng thứ bảy, GRDP đứng thứ tám, thu ngân sách đứng thứ chín trên cả nước...

Và Bắc Ninh đã trở thành nơi tụ hội các dòng vốn FDI thế hệ mới, lũy kế đến hết ngày 16/10/2021, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.704 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20,47 tỷ USD, đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh; trong đó tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (công nghiệp điện tử) chiếm trên 90% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh.

Với chính sách thu hút nguồn đầu tư thích hợp, “đất lành chim đậu”, Bắc Ninh trở thành “bến đỗ” của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như Samsung (Hàn Quốc), Foxconn (Trung Quốc), Canon, Nokia (Nhật Bản), VSIP (Singapore)... Sự có mặt của những tập đoàn này đã kéo theo hàng trăm doanh nghiệp phụ trợ, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp, điện tử, viễn thông, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ của cả nước…

Toàn tỉnh có khoảng trên 400 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động, trong đó khối doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động.

Dòng vốn đầu tư đã phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 gấp 1,5 lần năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp luôn đứng tốp dẫn đầu toàn quốc. Chỉ tính bình quân từ giai đoạn 2016 - 2020 công nghiệp của tỉnh ước tăng 11,2%/năm và đóng góp 5,3% trong 6,6% tăng trưởng GRDP…

Kết quả này sẽ là nền tảng tiếp tục thúc đẩy đưa Bắc Ninh phát triển toàn diện trở thành cực tăng trưởng vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của cả nước.

Nhận xét ngắn gọn về Bắc Ninh hôm nay, có thể nói: về cơ bản Bắc Ninh nay là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng hiện đại; công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh, chiếm 95%; tốc độ đô thị hóa cao, là tỉnh đứng trong top đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2020, Bắc Ninh có 94/94 xã và các huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

HƯỚNG ĐẾN "HIỆN ĐẠI, VĂN HÓA, TRI THỨC VÀ ĐÔ THỊ THÔNG MINH"

Những kết quả của những năm phát triển trên đang tạo tiền đề từng bước đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Thành phố trực thuộc Trung ương được xem là những thành phố có vai trò, vị trí quan trọng trong sự phát triển đất nước. Và có thể xem đó là những trung tâm, đầu tàu phát triển của một vùng, liên vùng với khả năng dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các địa phương khác.

Về mặt pháp lý, tiêu chuẩn đạt thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định trong Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc gồm năm tiêu chuẩn.

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bắc Ninh cơ bản có thể đáp ứng gần 3/5 tiêu chuẩn là về: quy mô dân số; diện tích tự nhiên cùng một số tiêu chí trong chuẩn cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội các tiêu chí như cân đối thu, chi ngân sách; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên, hiện một số tiêu chí thuộc tiêu chuẩn cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế như tỷ lệ hộ nghèo, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước; thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 1,3 lần bình quân cả nước, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tính đến cấp phường phải đạt trên 90% vẫn đang là bài toán rất khó khăn.

Có hai tiêu chuẩn chưa đạt là quy định về đơn vị hành chính trực thuộc (11 đơn vị cấp huyện trực thuộc và 60% đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là quận) và khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương chưa được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I…

Qua phân tích các tiêu chí đã đạt hoặc đạt chưa bền vững cũng như các tiêu chí chưa đạt có thể thấy con đường phấn đấu để trở thành thành phố Trung ương theo hướng văn minh hiện đại là không đơn giản. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp lại càng ảnh hưởng đến tiến trình này của Bắc Ninh.

Để giải quyết bền vững các tiêu chí nằm trong tiêu chuẩn cơ cấu trình độ phát triển kinh tế, Bắc Ninh đang đề ra nhiều giải pháp, chính sách như từ “bốn sẵn sàng” lên “năm sẵn sàng” (sẵn sàng: mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và sẵn sàng chống dịch) thu hút đầu tư các FDI có hàm lượng chất xám công nghệ cao theo tiêu chí “hai ít, ba cao” (ít sử dụng đất, ít sử dụng lao động, dự án có suất vốn đầu tư cao, đạt hiệu quả cao, hàm lượng công nghệ cao)... Từ đó làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, sản xuất công nghệ cao, gắn với phát triển xanh tạo nên một sự phát triển toàn diện cả về kinh tế lẫn xã hội cho Bắc Ninh.

Về quy hoạch, Bắc Ninh đặc biệt chú ý đến quy hoạch các hành lang xanh dọc theo sông Đuống, sông Cầu, nhiều khu đô thị sẽ được quy hoạch theo hướng khu đô thị xanh như: khu Tây Bắc thành phố Bắc Ninh; khu du lịch Phật Tích; khu sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du, thành phố Từ Sơn; khu tổ hợp đô thị, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí tại huyện Thuận Thành... nhằm nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Các khu đô thị này khi thu hút đầu tư sẽ hoàn thiện toàn bộ các trục đường và hệ thống hạ tầng - xã hội xung quanh để thật sự tạo điểm nhấn đô thị xanh, hiện đại cho kinh tế - xã hội của Bắc Ninh. Ngoài ra, tỉnh cũng xác định sớm phát triển một số huyện là Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành lên thị xã rồi sau đó mới lên quận. Đồng thời, ưu tiên phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - đô thị theo hướng thành phố thông minh.

Hy vọng rằng, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, Bắc Ninh sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “hiện đại, văn hóa, tri thức và đô thị thông minh”. Đó chính là con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo nên một hình ảnh mới về “địa linh – nhân kiệt” của Bắc Ninh trong tương lai.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate