July 17, 2025 | 11:18 GMT+7

Indonesia: Đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ đòi hỏi "nỗ lực phi thường"

Bình Minh -

Gần 24 giờ sau khi ông Trump công bố thỏa thuận, Chính phủ Indonesia đã xác nhận việc đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ...

Tổng thống Prabowo Subianto của Indonesia - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Prabowo Subianto của Indonesia - Ảnh: Bloomberg.

Hôm thứ Ba tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này đã đạt thỏa thuận thương mại với Indonesia. Ngày thứ Tư, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto xác nhận thông tin này và tiết lộ rằng việc đi đến được thỏa thuận với Washington là một tiến trình chông gai.

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Indonesia đưa ra mức thuế quan 19% của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia, giảm từ mức 32% mà ông Trump công bố trong kế hoạch thuế quan đối ứng ngày 2/4.

Sau khi công bố việc đạt thỏa thuận với Indonesia bằng một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm thứ Ba, ông Trump nói với các phóng viên rằng Indonesia sẽ không áp bất kỳ thuế quan nào đối với hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang nước này. Ông cũng cho biết Indonesia cam kết mua “15 tỷ USD năng lượng Mỹ, 4,5 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp Mỹ và 50 máy bay Boeing, chủ yếu là dòng 777”.

Gần 24 giờ sau khi ông Trump công bố thỏa thuận, Chính phủ Indonesia đã xác nhận việc đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Phía Jakarta cũng cho biết ông Subianto đã đàm phán trực tiếp với ông Trump qua điện thoại, đồng thời mô tả các cuộc đàm phán với giới chức Mỹ là “nỗ lực phi thường”.

“Đây là một cuộc đấu tranh phi thường của nhóm đàm phán của chúng tôi do Bộ trưởng Điều phối Kinh tế dẫn đầu” ông Hasan Nasbi - người phát ngôn của Tổng thống Indonesia - nói với hãng tin Reuters.

Trong một bài đăng trên Instagram, Tổng thống Prabowo viết rằng hai bên “đã nhất trí và đi đến thống nhất đưa quan hệ thương mại giữa Indonesia và Hoa Kỳ vào một kỷ nguyên mới đối bên cùng có lợi”.

Phát biểu trước báo giới vào ngày thứ Ba,  Ông Trump nhấn mạnh rằng Indonesia “nổi tiếng với kim loại đồng chất lượng cao, loại mà chúng tôi sẽ sử dụng”.  Theo hãng tin CNN, điều đó có thể đồng nghĩa với việc đồng từ Indonesia vào Mỹ có thể phải chịu mức thuế thấp hơn, hoặc không phải chịu thuế. Ông Trump mới đây đã công bố kế hoạch đánh thuế 50% đối với tất cả đồng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/8.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Indonesia xuất khẩu 20 triệu USD kim loại đồng sang Mỹ trong năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu đồng sang Mỹ của Chile và Canada, với giá trị lần lượt là 6 tỷ USD và 4 tỷ USD.

Đầu tháng 4, ông Trump áp thuế 32% lên Indonesia trong một thời gian ngắn trước khi tạm hoãn thuế quan đối ứng trong 90 ngày. Cũng như các quốc gia khác, trong thời gian tạm hoãn này, hàng hóa từ Indonesia vào Mỹ bị áp mức thuế cơ sở 10%. Thời hạn 90 ngày đã kết thúc vào ngày 8/7, nhưng được ông Trump gia hạn tới ngày 1/8.

Thỏa thuận với Indonesia là thỏa thuận thương mại thứ tư mà ông Trump tuyên bố đạt được trong ba tháng qua, sau thỏa thuận với Anh, Trung Quốc và Việt Nam. Trước đó, ông đã hứa sẽ đạt được hàng chục thỏa thuận với các đối tác thương mại của Mỹ trong khoảng thời gian tạm hoãn thuế đối ứng, nhưng dường như việc đạt nhiều thỏa thuận trong một thời gian ngắn như vậy là bất khả thi.

Chính sách thuế quan khó lường của ông Trump đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Mỹ. Một số công ty lo ngại đơn hàng của họ đặt mua ở nước ngoài có thể đột ngột bị áp thuế quan cao hơn nếu ông Trump bất ngờ tăng thuế đối với quốc gia xuất khẩu đó.

Ông Trump đã nói rằng doanh nghiệp có thể tránh được những rắc rối như vậy bằng cách chuyển sản xuất về Mỹ. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện không đơn giản như vậy, vì việc tìm nguồn lao động phù hợp ở Mỹ là không dễ, chưa kể phải mất thời gian nhiều năm và vốn đầu tư lớn mới có thể đưa một nhà máy đi vào hoạt động. Việc sản xuất ở Mỹ có thể dẫn tới chi phí cao hơn, giá thành sản phẩm đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong năm ngoái, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 23 của nước này. Mỹ đã nhập khẩu 28 tỷ USD hàng hóa từ Indonesia trong năm 2024, trong đó may mặc và giày dép là hai mặt hàng có kim ngạch lớn nhất. Mỹ đã xuất khẩu 10 tỷ USD hàng hóa sang Indonesia trong năm ngoái. Hạt có dầu, ngũ cốc, dầu thô và khí đó là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Indonesia.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate