Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới là mong muốn của các địa phương tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương của nhiều tỉnh, thành phố tổ chức, ngày 25/12/2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 25 điểm cầu.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHÀO HÀNG ĐẶC SẢN BÁN TẾT
Ông Phan Văn Lục, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho biết trong những năm qua ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng 12%/năm. Hiện tại tổng sản lượng cả nước đã vượt 500 triệu con gia cầm, sản lượng thịt đạt trên 1,7 triệu tấn trong năm 2021, cao gấp 4 lần so với năm 2010.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành chăn nuôi gia cầm đã phải đối mặt với nhiều cản trở trong sản xuất và kinh doanh, vì vậy, Hiệp hội đang tổ chức liên kết với hơn 222 cơ sở sản xuất, 74 doanh nghiệp, cơ sở thành viên trong Hiệp hội để đảm bảo sản xuất trứng gia cầm các loại, thịt gia cầm chế biến.
Theo ông Huỳnh Sỹ Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, với lợi thế hai vùng khí hậu đặc thù, Kon Tum phát triển mạnh về nông sản nhiệt đới như cà phê, sắn, lúa; các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm dây (Đảng sâm)... Kom Tum có 62.000 tấn cà phê, diện tích cây ăn quả đạt 6.500 ha gồm bưởi, cam, quýt, chuối, sầu riêng, sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.240 ha, Đảng sâm và các loại dược liệu khác đạt khoảng 2.600 ha.
"Mong rằng trong thời gian tới tỉnh sẽ nhận được thêm sự quan tâm, kết nối, đồng hành tiêu thụ nông sản từ các doanh nghiệp, nhà kinh doanh", ông Huỳnh Sỹ Liêm chia sẻ.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết. Cụ thể, tỉnh đã rải vụ và dự kiến tổng sản lượng hoa quả trong các tháng 1/2022 và 2/2022 lần lượt là khoảng 22.000 tấn, và 35.000 tấn. Bên cạnh hoa quả, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng hiện hơn 3.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh chia sẻ, hiện tỉnh đang tìm đầu ra cho một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Với nhóm sản phẩm trái cây, Tây Ninh hiện đang có 500 tấn mít Thái siêu sớm, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh… các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh mong muốn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp quảng bá, giao thương trực tiếp với các hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước, qua đó đáp ứng nhu cầu thị trường vào dịp cuối năm, Tết nguyên đán Nhâm Dần”, ông Mấy nói.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, về sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, tỉnh Vĩnh Long có những sản phẩm nổi trội có thể cung cấp và mong muốn kết nối tiêu thụ.
Cụ thể: Bưởi năm roi và bưởi da xanh khoảng 400 tấn; dưa hấu 8.000 tấn; dưa lưới 20 tấn; các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; cá diêu hồng hơn 100 tấn.
CHỦ ĐỘNG KẾT NỐI ĐỂ TIÊU THỤ SẢN PHẨM
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, trong năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã kết nối cho 80.000 hộ gia đình thiết lập cửa hàng nông sản số, trong đó đã có 65.000 tài khoản đã có giao dịch trên sàn Lạng Sơn Post Mart.
Một mặt hàng đang được Lạng Sơn kỳ vọng là thạch đen xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh có 3.000ha đất trồng thạch đen, sản lượng mỗi năm 16.000 tấn, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19, hiện mới xuất khẩu được 3.000 tấn, cần tiêu thụ 13.000 tấn tại thị trường nội địa. Một số mặt hàng khác như quýt Tràng Định, có khả năng cung cấp 1.000 tấn vào dịp Tết Nguyên đán.
Thông qua diễn đàn, bà Thu đề nghị các tỉnh phía Nam xem xét, thông tin tới doanh nghiệp tạm ngừng đưa hàng lên Lạng Sơn. Vì hiện tại số lượng xe container và xe tải chở nông sản, trái cây đem xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng ách tắc tại Lạng Sơn rất lớn.
“Thời tiết Lạng Sơn những ngày qua theo kiểu ngày nóng, đêm lạnh, khó bảo quản hoa quả. Mặt khác, do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, kiểm soát ngặt nghèo, nên mỗi ngày chỉ có 100-200 xe hàng xuất được sang thị trường này. Cũng xin lưu ý, Trung Quốc chỉ ngừng nhập khẩu hàng đông lạnh 14 ngày trước Tết, còn hàng không dùng xe đông lạnh vẫn nhập”.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi rất thấu hiểu khó khăn của các sản phẩm đặc sản miền Nam. Với đặc trưng là đại diện cho các nhà bán lẻ, phân phối vào siêu thị, chúng tôi chia sẻ khó khăn với nông dân và doanh nghiệp. Với cương vị là người đứng đầu chuỗi siêu thị BRG Mart đã có mặt tại 7 tỉnh thành, chúng tôi mong nhận được thư chào hàng, giới thiệu của các nhà cung cấp, hợp tác xã, Trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh”.
Chia sẻ về mô hình kinh doanh mới, bà Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sinh thái Ecovi, cho biết hiện đơn vị chủ yếu phân phối các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp với hơn 200 điểm bán trên toàn quốc.
Mô hình của Ecovi khá linh động khi đi theo hướng tận dụng hình thức trực tuyến của các điểm bán quy mô từ nhỏ đến lớn. Đối tượng mà Ecovi hướng đến là người tiêu dùng có nhu cầu sản phẩm đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.
“Doanh nghiệp chúng tôi đang cần tìm, kết nối với các đơn vị canh tác theo hướng sinh thái, hữu cơ hoặc các đơn vị đang mong muốn chuyển đổi sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ. Hiện nay chúng tôi đang tập trung cho sản phẩm trái cây tươi. Sang năm 2022, Công ty sẽ tập trung sang các sản phẩm chế biến nông sản khô.”, bà Na thông tin.
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15-20% tùy từng sản phẩm. Thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất. Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất.