January 12, 2023 | 10:05 GMT+7

Khai thác tốt nguồn lao động từ nước ngoài trở về

Nhật Dương -

Nguồn lao động trở về từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đang rất được các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm, vì vậy, nếu chịu khó tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề cộng với vốn ngoại ngữ sẽ là những lợi thế khi tìm việc trong nước, với mức thu nhập cao…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tận dụng được nguồn nhân lực có chất lượng; đồng thời góp phần giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại các thị trường phái cử. 

CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ KHI TRỞ VỀ DỄ TÌM VIỆC, LƯƠNG CAO?

Từng đi Hàn Quốc từ năm 2007 và về nước vào năm 2022, anh Trần Văn Đua (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết muốn tìm công việc với mức lương từ 15 – 20 triệu đồng, dù trước đó mức thu nhập trung bình tại Hàn Quốc anh nhận được hơn 30 triệu đồng/tháng.

Qua thời gian làm việc, anh Đua cho rằng, với những lao động từng đi làm việc ở nước ngoài nếu chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tay nghề thì khi về nước đây sẽ là những lợi thế khi tìm việc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng đòi hỏi thêm các văn bằng, chứng chỉ, trong khi phần lớn lao động đi theo diện xuất khẩu là lao động trực tiếp nên sẽ phần nào có trở ngại khi ứng tuyển vào các công ty.

Cũng về nước sau 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Hữu Quảng (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, từng làm việc trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tại nên về nước anh mong muốn tìm công việc phù hợp với kinh nghiệm đã tích lũy, có mức thu nhập tương xứng với khả năng. “Với những lao động sau khi về nước nếu đã tương đối nhiều tuổi thì sẽ khó khăn hơn, vì các nhà tuyển dụng cũng rất kén chọn trong vấn đề tuyển lao động có tuổi. Vì vậy, tôi nghĩ các bạn trẻ nếu có điều kiện nên trau dồi vốn tiếng để khi về Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”, anh Quảng bộc bạch.

Ở góc độ đơn vị kết nối nhân lực, trong đó có các thị trường nước ngoài, bà Đỗ Thùy Linh, Giám đốc tuyển dụng Công ty cổ phần kết nối nhân lực Work Link đánh giá, nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài về có lợi thế về vốn tiếng, cũng như hiểu biết về văn hóa, cách thức làm việc với người nước ngoài. Do đó, những yếu tố này sẽ giúp họ sớm hòa nhập được vào môi trường làm việc tại các công ty nước ngoài ở Việt Nam khi được tuyển dụng. 

Mặc dù vậy, qua quá trình tuyển dụng, bà Linh cũng thừa nhận, nhiều người lao động sang nước ngoài chủ yếu làm công việc lao động chân tay, số đi làm công việc chuyên môn như quản lý chưa có nhiều.

“Do đó, việc tận dụng được vốn ngoại ngữ, học thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức kỹ năng quản lý chuyên sâu thì khi về Việt Nam các bạn mới có cơ hội phát triển hơn về vị trí công việc cũng như có mức lương tốt hơn”, bà Linh nhìn nhận.

Cũng theo bà Linh, hiện nay các công ty nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản khá quan tâm đến nhóm lao động từ nước ngoài về có ngoại ngữ, bởi khi làm việc trực tiếp với các quản lý nước ngoài thì việc giao tiếp bằng tiếng bản địa giúp họ thuận lợi trong trao đổi trực tiếp về công việc, định hướng giải quyết.

Bà Linh cũng cho rằng, nhiều lao động có vốn tiếng cơ bản, giao tiếp tốt, kỹ năng song thiếu hụt bằng cấp, chứng chỉ, dù đây sẽ là những giấy tờ rất có giá trị khi đi xin việc. Do đó, thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động nếu cố gắng bổ sung được các chứng chỉ này sẽ có lợi thế hơn khi về nước, cộng với ngoại ngữ và chuyên môn thì mức thu nhập sẽ tăng cao.

HỖ TRỢ, KẾT NỐI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM SAU KHI VỀ NƯỚC

Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước không chỉ giúp tận dụng được nguồn nhân lực có chất lượng mà còn là giải pháp quan trọng giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại các thị trường.

Một phiên giao dịch việc làm kết nối lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Ảnh - N.Dương. 
Một phiên giao dịch việc làm kết nối lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Ảnh - N.Dương. 

Xuất phát từ thực tế đó, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết, công tác hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động và thực tập sinh về nước luôn được quan tâm và có nhiều hoạt động thiết thực.

Trong năm 2022, đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm cho nhóm lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước tại Bắc Ninh (kết nối online với Thái Bình, Hải Dương), tại Bình Dương (kết nối online với Hà Tĩnh, Thanh Hóa), tại Hà Nội (kết nối online với Quảng Nam, Đồng Tháp), tại Đồng Nai (kết nối online với Thanh Hóa, Bắc Ninh), tại Hải Dương (kết nối online với Hà Tĩnh, TP.HCM) và tại Hà Nội (kết nối online Bắc Ninh, Thanh Hóa).

Các phiên giao dịch việc làm đã thu hút sự tham gia của 258 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam, 1.115 người lao động EPS và 537 thực tập sinh đã tới phỏng vấn.

Thông qua các phiên giao dịch việc làm đã có 387 người đạt sơ tuyển, 125 người trúng tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với Cục Việc làm, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo về nguồn kinh phí dành cho các hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động về nước từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022; liên hệ, thống nhất các địa phương về kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động về nước từ nguồn kinh phí này…

Liên quan đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa được 110.000 người, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Đồng thời, hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia Châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate