Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có chỉ đạo về thực hiện kết luận của Bí thư Thành ủy TP.HCM tại buổi làm việc, kiểm tra thực tế dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên và chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân Thành phố.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chủ đầu tư (Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố, gọi tắt là Ban Hạ tầng) các thủ tục thực hiện giao đất bổ sung để mở rộng đường bờ kênh, các thủ tục liên quan pháp lý bãi đổ bùn, đất đào trong quá trình thi công, thẩm định đồng thời tham mưu Uỷ ban nhân dân TP.HCM phê duyệt về các bãi đổ bùn, đất của dự án.
Ban Hạ tầng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện thực hiện tháo dỡ bức tường hiện hữu đã xuống cấp dọc theo tuyến kênh, kết hợp mở rộng hành lang kỹ thuật của bờ kênh theo thiết kế, đảm bảo giao thông xuyên suốt toàn tuyến.
Các quận huyện ủy có liên quan, chỉ đạo ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Hạ tầng để vận động người dân, doanh nghiệp có công trình tái lấn chiếm phạm vi đất của dự án đã giải tỏa ở giai đoạn 1 bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công công trình, không làm gián đoạn thi công, đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Ủy ban nhân dân Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi mặt bằng trên địa bàn, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo tiến độ thi công và hoàn thành gói thầu XL-10 trong năm 2025. Đồng thời tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đồng bộ với hạ tầng đô thị, không gian văn hóa của từng địa phương với hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Chủ đầu tư được yêu cầu phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thành công tác tiếp nhận và bàn giao các hạng mục công trình của dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn 1, hoàn thiện pháp lý dự án. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện nghiêm công tác giám sát, đảm bảo an toàn lao động.
Trước đó, ngày 13/6/2023, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các lãnh đạo sở ngành tại Thành phố đến làm việc, kiểm tra, giám sát thực tế tại một số điểm của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Đây là dự án kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn, do Ban Hạ tầng làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Ban Hạ tầng với Bí thư Thành ủy, sau hơn 3 tháng khởi công, đến nay dự án đã giải ngân được 203,844 tỷ đồng trên tổng số 1.650 tỷ đồng được giao kế hoạch, đạt 12,35%. Dự kiến đến cuối tháng 6/2023 dự án sẽ giải ngân lũy kế đạt 583 tỷ đồng, đạt 35,33%; đồng thời trong năm 2023 sẽ tiếp tục giải ngân đạt 100% theo kế hoạch vốn đã đề ra.
Sau khi trực tiếp kiểm tra thực tế tại công trường và nghe báo cáo của Ban Hạ tầng cùng các sở ngành, quận huyện liên quan, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định, để hoàn thành dự án vào năm 2025 là nhiệm vụ không đơn giản. Ông yêu cầu chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thiết bị thi công, nhân lực để triển khai các hạng mục công trình theo tiến độ đã đề ra.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 2), kết nối tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai, được khởi công vào tháng 02/2023, sau 20 năm đình trệ vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Dự án đi qua 7 quận, huyện của TP.HCM, kết nối với tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai qua sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương 4.000 tỷ đồng và ngân sách thành phố 4.200 tỷ đồng.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 kết hợp cùng các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát.
Theo thiết kế, dự án sẽ xây dựng kè dọc hai bên bờ kênh, nạo vét toàn tuyến kênh với chiều rộng 30 - 90 m, sâu 4 - 5 m, làm 12 bến thuyền dọc kênh, đường giao thông rộng 8 - 12 m dọc hai bờ kênh.