Đây là hạng mục khởi công đầu tiên nhằm trao trả mặt bằng sạch, giúp nhà thầu chính thức bắt tay thi công các hạng mục ngầm chính trong giai đoạn tiếp theo.
DỰ ÁN 11 NĂM ĐỢI CHỜ
Ban quản lý Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) thông tin, gói thầu này dự kiến thực hiện trong 20 tháng tại 12 vị trí trải dọc 9 ga ngầm, 2 đoạn đào hở, 1 ga trên cao. Các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án metro số 2, gồm: công trình cấp, thoát nước, công trình điện, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng… Tổng chi phí di dời khoảng 1.000 tỷ đồng.
Gói thầu chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1, thi công xây dựng hệ thống cấp và thoát nước; lắp đặt điện cao thế; di dời tạm các công trình điện (gồm trung thế và hạ thế), công trình viễn thông vào hành lang 5. Giai đoạn 2, nhà thầu sẽ di dời tái lập ngầm vĩnh viễn công trình điện (trung và hạ thế), công trình viễn thông vào hào kỹ thuật ngầm đảm bảo phù hợp thiết kế, cảnh quan đô thị.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó trưởng ban MAUR, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng của toàn dự án đã đạt 87% và MAUR đang phối hợp với các quận 1, 3, và Tân Bình tiến hành các thủ tục, phấn đấu hoàn tất giải phóng mặt bằng trong năm 2023 để đến 2025 khi có nhà thầu thi công chính sẽ đáp ứng mặt bằng sạch để triển khai các hạng mục trọng điểm.
Dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài 11,2 km (gồm 9,2 km đi ngầm và 02 km trên cao), với 11 ga (9 ga ngầm, 01 ga trên cao). Dự án có điểm đầu tại ga trung tâm Bến Thành và điểm cuối tại ngã tư An Sương, đi qua địa bàn sáu quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12 với tổng diện tích thu hồi 251.136 m2, 603 trường hợp bị ảnh hưởng.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh gói thầu này có nhiều hạng mục lớn, điểm nhấn mới do diện tích mặt bằng chật hẹp nên ông Cường đề nghị các nhà thầu tập trung thi công trong thời gian tới, thi công hợp lý để tránh ùn tắc giao thông.
Ông Bùi Xuân Cường cũng cho biết thêm: Rút kinh nghiệm vướng mắc giải phóng mặt bằng từ metro số 1, việc khởi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đánh dấu mốc quan trọng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chính tập trung thi công, quy hoạch không gian ngầm. “Đây cũng là dự án ứng dụng nhiều công nghệ khoa học mới, như công nghệ khoan kích ngầm, mô hình thông tin công trình nhằm giúp thi công nhanh chóng, chuẩn xác đối với các hạng mục ngầm”, ông nói.
Một trong những điểm nhấn mới của gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật metro số 2 này là ứng dụng mô hình BIM (Building Information Modeling - Mô hình thông tin công trình) ngay từ trong giai đoạn thiết kế. Cụ thể, BIM đóng vai trò hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu phát hiện xung đột giữa các hạng mục hạ tầng kỹ thuật từ sớm trong quá trình thiết kế để kịp thời đề xuất các biện pháp thi công phù hợp. Sau đó, BIM tiếp tục được áp dụng trong giai đoạn quản lý thi công các công trình, giai đoạn nghiệm thu và bàn giao công trình, đưa vào vận hành.
Dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương hiện đi tiên phong trong ứng dụng mô hình TOD (Transit Oriented Development - Mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) trong tập trung vốn giao thông, chỉnh trang đô thị, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
HÀNH TRÌNH HƠN 10 NĂM VÌ MỘT PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG
Năm 2010, dự án metro số 2 được phê duyệt và bắt đầu chuẩn bị cho việc thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2016. Tổng vốn đầu tư là 26.116 tỷ đồng.
Ngày 14/11/2019, Ủy ban nhân dân TP.HCM có Quyết định số 4880/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh là 47.890 tỷ 840 triệu đồng, thời gian thực hiện và hoàn thành dự án từ năm 2010 đến năm 2026.
Đây là tuyến metro số 2 trong số 8 tuyến metro theo quy hoạch metro của TP.HCM được tiến hành xây dựng (cùng với tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên sắp hoàn thành) nhằm giải bài toán kẹt xe ở cửa ngõ hướng tây bắc thành phố.
Tháng 6/2022, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã có kiến nghị gửi các bộ, ngành trung ương đề nghị cho lùi thời gian khởi công qua cuối năm 2025, đầu năm 2026. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro số 2 theo kiến nghị của TP.HCM.
Năm 2012, MAUR ký hợp đồng tư vấn với IC cho dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn A được thực hiện theo hình thức trọn gói, trị giá gần 13 triệu EUR để thiết kế và hỗ trợ đấu thầu các gói thầu chính; giai đoạn B trị giá hơn 31 triệu EUR là giám sát thi công. Thời gian thực hiện giai đoạn A đến cuối năm 2015; tuy nhiên, dự án kéo dài dẫn đến phải ký 13 phụ lục hợp đồng, nâng tổng chi phí tư vấn tăng hơn 12,6 triệu EUR so với ban đầu.
Nhằm tiếp tục huy động Tư vấn IC trở lại thực hiện dự án, TP.HCM đã thương thảo, đàm phán phụ lục hợp đồng số 13 (MAUR trước đó đã ký với IC 12 phụ lục hợp đồng). Trải qua một thời gian đàm phán từ năm 2020 đến đầu 2021, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận thống nhất. Trong cuộc họp ngày 23/3/2022 nhằm thương thảo gia hạn hợp đồng, phía IC nêu không thể thực hiện phụ lục hợp đồng số 13 và có thư thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư MAUR một ngày sau đó, tức 24/3/2022.
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án nói trên, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục trình thẩm định cho vay lại và đề xuất khoản vay cụ thể sau khi tư vấn CS2B (gói thầu tư vấn kiểm soát thực hiện dự án và giám sát thi công, trước đó do Tư vấn IC thực hiện) hoàn thành cập nhật thiết kế FEED. Dự kiến các khoản vay sẽ được ký kết hiệp định vay lại vào năm 2024 để phục vụ việc thi công gói thầu chính CP2, CP7 của dự án metro số 2.
Dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài 11,2 km (gồm 9,2 km đi ngầm và 02 km trên cao), với 11 ga (9 ga ngầm, 01 ga trên cao). Dự án có điểm đầu tại ga trung tâm Bến Thành và điểm cuối tại ngã tư An Sương, đi qua địa bàn sáu quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12 tổng với diện tích thu hồi 251.136 m2, 603 trường hợp bị ảnh hưởng.