Country Garden Holdings ngày 10/10 cho biết có thể sẽ không thực hiện được tất cả nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế khi đáo hạn hoặc trong khoảng thời gian ân hạn. Thông tin đáng lo ngại từ doanh nghiệp địa ốc lớn nhất Trung Quốc cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này tiếp tục căng thẳng.
“Việc không đảm bảo thanh toán nợ như vậy có thể dẫn tới chủ nợ yêu cầu đẩy nhanh việc trả nợ hoặc có hành động pháp lý nhằm vào công ty”, hãng tin Reuters dẫn thông tin được Country Garden niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Country Garden cũng thừa nhận đang đối mặt tình trạng bấp bênh nghiêm trọng liên quan đến việc bán bớt tài sản và vị thế tiền mặt của công ty vẫn đang chịu sức ép lớn.
Ngày 9/10, Country Garden đáo hạn hạn thanh toán số tiền lãi trái phiếu trị giá 66,8 triệu USD của hai lô trái phiếu phát hành bằng đồng USD đáo hạn vào năm 2024 và 2026. Thời gian ân hạn của khoản thanh toán này là 30 ngày. Công ty không cho biết đã thực hiện được đợt thanh toán này hay chưa.
Country Garden có 10,96 tỷ USD trái phiếu quốc tế và số khoản vay ngoại tệ trị giá 5,81 tỷ USD. Ở thời điểm cách đây 1 tháng, công ty này có khoảng 14,8 tỷ USD tiền nợ đáo hạn trong vòng 12 tháng tiếp theo, trong khi mức tiền mặt là 13,8 tỷ USD.
Tổng nghĩa vụ nợ của Country Garden là khoảng 192 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 59% so với khối nợ của China Evergrande Group - công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới và đang đối mặt nguy cơ sụp đổ hoàn toàn vì kế hoạch tái cơ cấu nợ gặp trở ngại và nhà sáng lập bị cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, Country Gardne có 3.121 dự án trên toàn Trung Quốc, gấp gần 4 lần so với con số khoảng 800 dự án của Evergrande.
Từng được coi là một doanh nghiệp bất động sản khoẻ mạnh và đã trụ vững trong giai đoạn đầu của khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, Country Garden đã khiến giới đầu tư toàn cầu sửng sốt khi xém vỡ nợ hồi đầu tháng 9 vừa qua. Một vụ vỡ nợ đã được ngăn chặn khi Country Garden xoay sở để trả được 22,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu và được chủ nợ nhất trí giãn nợ 3 năm đối với 6 lô trái phiếu phát hành nội địa.
Thách thức đang bủa vây Country Garden và Evergrande cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc sẽ không sớm kết thúc. Kể từ khi khủng hoảng xảy ra vào năm 2021 đến nay, số công ty chiếm tổng cộng 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, đã rơi vào cảnh vỡ nợ, khiến nhiều dự án dang dở phải “đắp chiếu”. Niềm tin suy giảm và dòng vốn cạn dần khiến thanh khoản của các công ty địa ốc Trung Quốc trở nên tê liệt.
Country Garden cho biết đã thuê các công ty Houlihan Lokey, China International Capital Corporation (CICC) và Sidley Austin để tư vấn rà soát cấu trúc vốn và vị thế thanh khoản. Nhà phân tích Jeff Zhang của Morningstar nói việc Country Garden thuê các công ty tư vấn này cho thấy rằng “liệu công ty có vỡ nợ hay không sẽ tuỳ thuộc vào kết quả của việc tái cơ cấu các khoản nợ quốc tế và khoảng thời gian 2 tuần tới sẽ giữ vai trò rất quan trọng”.
“Chúng tôi không cho là tình hình thanh khoản của Country Garden sẽ được cải thiện nhiều vì người mua nhà và các định chế tài chính có thể sẽ tiếp tục đứng ngoài thị trường”, ông Zhang nhận xét.
Hôm 9/10, truyền thông Trung Quốc đưa tin Country Garden đang chuẩn bị cho việc tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu quốc tế. “Bài kiểm tra” lớn tiếp theo đối với Country Garden sẽ đến vào tuần tới, khi công ty hết thời gian ân hạn vào ngày 17/10 đối với một khoản lãi trái phiếu nhân dân tệ tương đương 15 triệu USD. Nếu không trả được khoản nợ này trước khi thời gian ân hạn kết thúc, Country Garden sẽ bị coi là vỡ nợ.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường như giảm yêu cầu đặt cọc khi mua nhà, giảm lãi suất đối với các khoản vay mua nhà trả góp tại một số địa phương… Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thị trường cần những biện pháp mạnh tay hơn mới có thể hồi phục.
“Tình hình khó khăn hiện nay cho thấy các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đối mặt với sức ép thanh khoản nghiêm trọng từ doanh số bán nhà yếu, và việc trả nợ nhà đầu tư trái phiếu vẫn là một ưu tiếp thấp hơn đối với doanh nghiệp”, nhà kinh tế Gary Ng của công ty Natixis Corporate and Investment Bank nhận định. “Nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách giãn nợ và tái cơ cấu nợ để giảm sức ép, nhưng việc này có thể kéo dài trong bao lâu lại là một vấn đề”.