Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng tại các thành phố lớn đang là thách thức rất lớn. Ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển.
Theo Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ô nhiễm không khí đang tập trung tại hai khu vực kinh tế trọng điểm: phía Bắc (với tâm điểm là Hà Nội và vùng phụ cận) và phía Nam (trung tâm là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận). Trong đó, bụi mịn PM2.5– loại hạt cực nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ tuần hoàn đang là tác nhân chính gây hại sức khỏe cộng đồng.
Nguồn phát thải chủ yếu là hoạt động xây dựng, công nghiệp, đốt rơm rạ, rác thải…Dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới giai đoạn 8/2019 - 7/2020, bụi cuốn lên từ đường, giao thông và xây dựng góp tới 17% nồng độ PM2.5 tại Hà Nội. Trong khi đó, công nghiệp chiếm tới 29% lượng phát thải PM2.5 vào năm 2015, theo báo cáo của WB năm 2022.
KHÔNG KIỂM SOÁT Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ, CHI PHÍ XỬ LÝ HẬU QUẢ SẼ RẤT TỐN KÉM
Tại Hội thảo thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn do Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng khói mù, bụi mịn là các tác nhân gây ô nhiễm không khí khiến cho môi trường sống đô thị trở nên ngột ngạt hơn. Ô nhiễm không khí đang hiển hiện ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác, thậm chí len lỏi ở các khu đô thị vệ tinh, vùng nông thôn…
Nguyên nhân chính gây ra khói mù, ô nhiễm không khí là giao thông đô thị, ô tô cũ, xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch không đạt tiêu chuẩn khí thải, kẹt xe, nổ máy lâu, tình trạng đốt rơm rạ, rác thải ngoài trời tập trung ở vùng ven đô và vùng nông thôn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí tại các đô thị.

Ngoài ra, việc thiếu giải pháp thu gom, xử lý rác tại nguồn; nhà máy xi măng, nhiệt điện, vật liệu xây dựng phát thải không qua xử lý hoặc giám sát yếu; xe tải vận chuyển vật liệu không che chắn, gây bụi; thiếu không gian cây xanh, mặt nước, đô thị hóa, bê tông hóa bề mặt, thiếu hành lang thông gió… cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, quản lý và giám sát môi trường còn hạn chế, thiếu hệ thống cảm biến chất lượng không khí diện rộng; thiếu cơ chế phản ứng, thiếu chế tài đủ sức răn đe…
Trước thực trạng trên, nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ hai con số trở lên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy, giai đoạn chuyển từ quốc gia đang phát triển lên phát triển chính là thời kỳ chịu áp lực môi trường lớn nhất, khi tốc độ phát thải thường cao gấp 1,5 lần so với tăng trưởng GDP. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả ngay từ bây giờ, chi phí xử lý hậu quả về sau sẽ vô cùng tốn kém.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường không khí hiện nay, các bộ ngành Trung ương và địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
Trước đây, Chính phủ giao Bộ xây dựng đề án khắc phục ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, định hướng được điều chỉnh sang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, nhằm bảo đảm tinh thần phân cấp, phân quyền: địa phương quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, Trung ương xây dựng khung định hướng và hỗ trợ kỹ thuật, thể chế.
Kế hoạch được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý không khí, góp phần cải thiện chất lượng sống và phát triển bền vững.
XÁC ĐỊNH RÕ VÀ HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ VỚI TỪNG NHÓM NGUỒN PHÁT THẢI ĐỂ GIẢM NỒNG ĐỘ BỤI
Tại Hội nghị lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030 cuối tuần qua, thông tin về dự thảo kế hoạch, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, cho biết mục tiêu tổng thể của kế hoạch là tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng không khí trên toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Dự thảo kế hoạch nêu 3 nhóm mục tiêu cụ thể gồm cải thiện chất lượng không khí, trong đó từng bước kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Giảm 20% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức “xấu” trở lên so với năm 2024 (năm 2024 ghi nhận 47 ngày); Giảm 20% nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào năm 2030 so với mức năm 2024; Duy trì các thông số chất lượng không khí khác trong ngưỡng quy chuẩn.
Để đạt được mục tiêu này, theo Cục Môi trường, cần kiểm soát chặt nguồn thải lớn như xi măng, nhiệt điện. Các địa phương phải rà soát, di dời hoặc buộc chuyển đổi công nghệ đối với cơ sở sản xuất lạc hậu nằm trong khu dân cư.
Lưu ý yêu cầu về kết quả cụ thể, Bộ trưởng cho rằng cần đặt mục tiêu rõ ràng: cuối năm nay chất lượng không khí ở Thủ đô phải được cải thiện so với đầu năm, năm sau phải tốt hơn năm trước. Đây là giai đoạn đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, và không thể để hình ảnh Thủ đô chìm trong khói bụi như những năm vừa qua...
Với nhóm kiểm soát nguyên nhân gây ô nhiễm mục tiêu là 100% cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, nhiệt điện, luyện thép sẽ được kiểm soát khí thải, từng bước giảm phát thải; 100% phương tiện giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được quản lý khí thải, tiến tới chuyển đổi sang năng lượng sạch; 100% xe buýt tại Hà Nội sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030. Ngoài ra, tăng cường vệ sinh đô thị, trồng cây xanh; kiểm soát chặt bụi tại các công trường xây dựng.
Với nhóm xây dựng đô thị văn minh, xanh hóa môi trường mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 1.000 công trình xây dựng xanh; Thí điểm thiết bị lọc không khí, hệ thống thông gió tại các công trình để đánh giá, nhân rộng; phối hợp liên ngành, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và đẩy mạnh truyền thông.
Phát biểu cho ý kiến về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng các nội dung mục tiêu giảm 20% bụi mịn PM2.5 cần làm rõ mối tương quan với quy chuẩn quốc gia hiện hành. Cụ thể, khi đặt mục tiêu giảm 20% nồng độ PM2.5, cần chỉ rõ mức nền hiện tại đang ở đâu so với quy chuẩn quốc gia để có thể lượng hóa cụ thể hơn mức độ cải thiện.
Bên cạnh đó cần có lộ trình dài hơi hơn bởi tại Trung Quốc có thời điểm tình trạng ô nhiễm từng nghiêm trọng hơn Việt Nam rất nhiều và đã mất hơn 10-20 năm để đạt được cải thiện đáng kể nhờ vào sự quyết liệt và đầu tư lớn. Trong khi đó, Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu, nếu hành động sớm thì chi phí có thể thấp hơn, thời gian rút ngắn hơn. Vì vậy, thay vì chỉ đặt mục tiêu giảm phần trăm, nên đặt các mốc cụ thể.

Bộ trưởng lấy ví dụ mức hiện tại của Việt Nam là 48 µg/m³, vậy đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 giảm 20%, còn 38 µg/m³; Giai đoạn 2030-2035 giảm tiếp 20%, còn khoảng 30 µg/m³. Đến năm 2035 hoặc sau đó đạt mục tiêu lý tưởng là 25 µg/m³, ngang quy chuẩn hiện hành. Mặc dù trên thực tế có thể chưa đạt được ngay quy chuẩn quốc gia hiện hành, nhưng nếu xác lập được lộ trình tiến tới ngưỡng này, hoặc thậm chí tiếp cận ngưỡng nghiêm ngặt hơn như của Trung Quốc (hiện là 35 µg/m³), đó cũng đã là thành công.
Để giảm nồng độ bụi mịn từ 10-20%, theo Bộ trưởng, điều tiên quyết là xác định rõ và hành động cụ thể với từng nhóm nguồn phát thải. Việt Nam hiện đã có dữ liệu tương đối đầy đủ về tỉ trọng phát thải từ các lĩnh vực: giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp… Điều quan trọng cần phân loại, khoanh vùng rõ ràng để xây dựng giải pháp phù hợp.
Đối với nguồn phát thải lớn từ lĩnh vực giao thông cũng cần có lộ trình chuyển đổi rõ ràng. Nếu xác định mục tiêu đến năm 2035 loại bỏ xe máy chạy xăng, thì ngay từ năm 2030 phải dừng đăng ký mới loại xe này. Điều này cho phép 5 năm tiếp theo là giai đoạn chuyển tiếp, thay thế dần xe máy xăng. Tương tự với ô tô, xe buýt cũng cần chuyển đổi. Mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt sử dụng điện, khí nén thiên nhiên (CNG) hoặc nhiên liệu sinh học là hợp lý và cần quyết liệt thực hiện.
Để kiểm soát khí thải giao thông phải có hệ thống đăng kiểm, quy chuẩn, phương tiện đo kiểm đạt chuẩn. Hoặc việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, cần có chính sách hỗ trợ, lộ trình rõ ràng, từ hạn chế xe xăng tới khuyến khích sử dụng xe điện. TP. Hồ Chí Minh hiện đã bước đầu thực hiện hỗ trợ xe công nghệ chuyển sang xe điện, một nhóm di chuyển thường xuyên trong đô thị.
Góp ý dự thảo kế hoạch, một số chuyên gia kiến nghị mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm cần thể hiện cụ thể hơn các chỉ tiêu, thay vì chỉ nêu mục tiêu giảm chung chung. Ví dụ, nếu đặt mục tiêu giảm 35% nồng độ PM2.5 thì cần ghi rõ so với năm nào, trung bình theo giờ hay theo ngày, tại khu vực nào. Các con số này không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý mà còn rất quan trọng với truyền thông và cộng đồng…