Đề xuất được Bộ Y tế nêu trong Kế hoạch số 927 /KH-BYT vừa ban hành về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân năm 2025.
MỤC TIÊU 95% DÂN SỐ THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ VÀO NĂM 2025
Về tình hình thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân năm 2024, Bộ Y tế cho biết trong các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, ngành Y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu.
Cụ thể, số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 13,5 bác sĩ: Ước thực hiện năm 2024 là 14 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao.
Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32,5 giường bệnh: Ước thực hiện năm 2024 là 34 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao.
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 94,1% dân số: Ước thực hiện năm 2024 đạt chỉ tiêu được giao là 94,13%.
Từ kết quả trên, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu năm 2025 như sau:
Quốc hội, Chính phủ giao 3 chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gồm có: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 15 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34,5.
Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực trong Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 như sau:
Để thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp của ngành Y tế sẽ thực hiện, Bộ Y tế cũng kiến nghị nhiều nội dung.
ĐIỀU CHỈNH MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ THEO LỘ TRÌNH
Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm tăng chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước.
Tập trung ngân sách Nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 20/NQ-TW.
Đồng thời, Quốc hội tăng cường giám sát việc thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực y tế. Xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trong năm 2024. Cùng với đó, tiếp tục xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh các năm tiếp theo khi đủ điều kiện đối với Luật Phòng bệnh, Luật về thiết bị y tế, Luật Dân số...
Với Chính phủ, Bộ Y tế kiến nghị chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành Y tế. Chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành Sư phạm, như: Sinh viên y, dược được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong phạm vi, nhiệm vụ được giao tích cực phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi nhanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, bất cập trong chính sách y tế. Trước mắt là các vấn đề về cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp y tế công lập; giá dịch vụ y tế, phương thức chi trả, thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị các Bộ ủng hộ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp với ngân sách Nhà nước, khả năng chi trả của Nhân dân, tạo điều kiện để từng bước mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tính chi phí quản lý, khấu hao, chi phí nhân lực phục vụ chăm sóc toàn diện vào giá dịch vụ y tế.
Đối với các địa phương, Bộ Y tế đề nghị cần coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về sức khỏe, y tế, và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ Y tế đề nghị địa phương bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách địa phương thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân đã được phân cấp theo quy định.
Cùng với đó, cần ban hành theo thẩm quyền cơ chế đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tư nhân thực hiện, cung cấp các dịch vụ y tế phù hợp với quy định của pháp luật, và tình hình thực tế ở địa phương.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, bố trí ngân sách cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập không bảo đảm bù đắp chi phí từ nguồn thu qua giá địch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí đủ dự toán và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số khi chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngành Y tế. Bảo đảm ngân sách và chủ động mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ để thu hút các bác sỹ có trình độ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế.
Tại Nghị quyết số 18/2008/QH12, Quốc hội đã quyết định nội dung: Tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước.
Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Quan tâm dành ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người có công, người nghèo, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tại Nghị quyết số 20/NQ-TW năm 2017, Trung ương yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, trong đó có nội dung, tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực y tế, để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo.
Ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách Nhà nước. Tập trung ngân sách Nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...; dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.