Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI các tháng so cùng kỳ năm trước có xu hướng chung tăng dần về cuối năm, nhưng với năm 2023, trong 6 tháng đầu, giá cả có xu hướng giảm liên tục từ tháng 1 đến tháng 6; từ tháng 7 đến tháng 9 mới tăng dần đều trở lại, riêng tháng 9 bất ngờ tăng cao nhất trong năm và cao nhất trong 5 năm gần đây, với mức tăng 1,08% so với tháng trước (do tác động từ nhiều mặt hàng tăng giá, đó là giá học phí, giá gạo, xăng dầu, gas, giá thuê nhà); còn từ tháng 10 đến tháng 12 tương đối ổn định.
NHÌN LẠI NHÂN TỐ GIÚP KIỂM SOÁT LẠM PHÁT THÀNH CÔNG
Thông tin tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 5/1/2024, đại diện Cục Quản lý giá lưu ý đến những yếu tố làm tăng áp lực và giảm áp lực lên CPI năm 2023.
Theo đó, các yếu tố chính làm tăng CPI bao gồm: giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, giải trí và du lịch, các mặt hàng thực phẩm, gạo và điện, dịch vụ y tế. Trong số các mặt hàng này có nhóm mặt hàng tăng theo quy luật tăng giá vào dịp lễ, Tết đầu năm, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 (thực phẩm, giải trí và du lịch), có nhóm mặt hàng tăng theo diễn biến giá thế giới (vật liệu xây dựng, gạo).
Nhóm mặt hàng do Nhà nước quản lý là mặt hàng điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục đã được điều chỉnh theo lộ trình sau nhiều năm trì hoãn, chậm tăng giá để hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân giai đoạn Covid-19, lương cơ sở cũng tăng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 01/07/2023.
Bên cạnh đó, các yếu tố chính làm giảm CPI bao gồm giá nhiên liệu là xăng dầu và gas. Đây là các mặt hàng có biến động phức tạp theo giá thế giới và từ đầu năm đến nay đối với mặt hàng xăng dầu đã cho thấy xu hướng giảm sự tác động của Nhà nước trong việc bình ổn giá mặt hàng này, tính đến ngày 29/12/2023, liên Bộ Công Thương - Tài chính có 37 lần điều hành giá xăng dầu. Trong đó, các mặt hàng xăng mới có 5/37 lần và các mặt hàng dầu chỉ có 3-4/37 lần chi sử dụng quỹ bình ổn giá.
PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng nguyên nhân chính khiến CPI năm 2023 có diễn biến như trên là do lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU chứng kiến đà hạ nhiệt liên tục trong năm 2023, xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, nhờ nỗ lực thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Điều này góp phần giải tỏa áp lực nhập khẩu lạm phát.
“Nền kinh tế trong nước phục hồi chậm khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt mức tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Điều này phản ánh sự phục hồi tổng cầu nền kinh tế còn yếu, trong khi cung hàng hóa vẫn khá dồi dào, công suất nền kinh tế dư thừa tạo áp lực ghìm giá cả của một số mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu”.
Ngoài ra, nỗ lực giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023 làm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Công cụ thuế được điều chỉnh theo hướng tăng cường kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Theo đó, từ ngày 1/1/2023, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, CPI đạt mục tiêu Quốc hội đề ra nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính - tiền tệ. Cùng với đó, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.
Dẫu vậy, các chuyên gia lưu ý rằng xu hướng biến động của CPI các tháng phản ánh những vấn đề nội tại mới phát sinh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và cần được xem xét, xử lý.
Theo đó, doanh nghiệp thu hẹp, sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại quốc tế khó khăn, lao động thất nghiệp tăng, thu nhập của cả doanh nghiệp, người lao động đều giảm sút nghiêm trọng. Cùng với đó, ngân hàng có dấu hiệu thừa tiền nhưng tăng trưởng tín dụng lại thấp, giá vàng tăng cao bất thường và tồn kho hàng hóa tăng cao vào cuối năm do cầu tiêu dùng yếu hơn năm trước…
KHÔNG CHỦ QUAN, NHẬN DIỆN RÕ SỨC ÉP
Bước sang năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức, các chuyên gia nhìn nhận áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song vẫn cần chú ý rủi ro tiềm ẩn. Do đó, không được chủ quan, lơ là kiểm soát giá cả trong năm 2024.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mặc dù giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào trong nước cũng như thế giới nhìn chung có xu hướng giảm trong năm 2023 nhưng vẫn đang ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp và tạo áp lực tăng giá đối với hàng hóa tiêu dùng.
Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2024 phát hành ngày 08-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam