Nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm tháo dỡ các chính sách liên bang đối phó với biến đổi khí hậu. Thay vào đó, ông tập trung chiến lược “thúc đẩy độc lập năng lượng và tăng trưởng kinh tế”. Một trong những động thái đáng chú ý nhất của ông là rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris vào năm 2017, thể hiện rõ lập trường ưu tiên các nguồn năng lượng hóa thạch.
Chính quyền Trump 1.0 đã thúc đẩy khai thác các nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên, giúp Mỹ đạt mục tiêu "độc lập năng lượng". Nhờ đó, chi phí cho dầu mỏ, khí đốt, dầu diesel và điện năng giảm xuống mức thấp kỷ lục, mang lại lợi ích rõ rệt cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên, chính sách này cũng đi cùng với những tác động tiêu cực với môi trường và con người.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi chính sách tương tự trong nhiệm kỳ thứ hai thì lượng khí thải nhà kính có thể tăng thêm 4 tỷ tấn chỉ trong giai đoạn đến năm 2030. Điều này có thể làm gia tăng các hiện tượng thiên tai như sóng nhiệt, lũ lụt, cháy rừng, hạn hán, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thế giới (WRI) và Hãng tin Bloomberg đã đưa ra dự báo về chính sách khí hậu và kinh tế xanh dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.
CẮT GIẢM CÁC CHÍNH SÁCH, SÁNG KIẾN XANH CẤP LIÊN BANG
Việc ông Trump tái cử và Đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện khiến các chính sách liên bang mới liên quan đến khí hậu sẽ khó được thông qua. Chính quyền Trump 2.0 sẽ tiếp tục tập trung vào việc cắt giảm quy định và thúc đẩy ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, khiến các sáng kiến lập pháp giảm phát thải hoặc đầu tư vào năng lượng sạch bị đình trệ.
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) (2022) dưới thời Tổng thống Biden được coi là một nỗ lực liên bang cao nhất trong lịch sử lập pháp Mỹ trong lĩnh vực năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, việc Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ “hủy bỏ tất cả các khoản tiền chưa chi dưới danh nghĩa IRA” do chi phí quá lớn khiến tương lai của đạo luật này trở nên bất định. Việc bãi bỏ IRA không chỉ phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống mà còn cần sự đồng thuận từ Quốc hội bởi có thể xuất hiện sự phản kháng từ các nhà lập pháp lưỡng đảng tại các bang hưởng lợi từ những khoản đầu tư của IRA.
Ngoài ra, chính quyền ông Biden đã triển khai chính sách Justice40, đảm bảo 40% nguồn đầu tư liên bang vào các sáng kiến năng lượng sạch sẽ được phân bổ cho những cộng đồng khó khăn, thường là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Tuy nhiên, dưới thời Trump 2.0, chính sách này có nguy cơ bị xóa bỏ hoàn toàn.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ loại bỏ các chính sách hỗ trợ doanh số bán xe điện (EV), trong khi các nhóm vận động hành lang ngành lọc dầu đang thúc đẩy giảm ưu đãi thuế cho xe điện. Họ đặc biệt nhắm đến quy định "lỗ hổng cho thuê", cho phép xe điện cho thuê không cần đáp ứng các yêu cầu khắt khe. Nếu thay đổi này được thực hiện, xe điện sẽ mất lợi thế cạnh tranh với xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống.
Tổng thống Trump từng áp đặt hạn chế với các khoản đầu tư dựa trên ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), ngăn cản các quỹ đầu tư tập trung vào các dự án năng lượng sạch hoặc thân thiện với môi trường. Dù chính quyền Biden đã đảo ngược những quy định này, nhưng việc ông Trump trở lại nhiệm sở có thể tái thiết lập các rào cản, khiến giới tài chính dè dặt hơn trong hỗ trợ các sáng kiến khí hậu.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ hủy bỏ các quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) nhằm hạn chế ô nhiễm từ nhà máy điện, đồng thời khuyến khích việc giữ lại các nhà máy nhiệt điện than thay vì đóng cửa. Tại một cuộc vận động vào tháng 8/2024 ở bang Michigan, ông nói sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, qua đó thúc đẩy việc xây dựng nhà máy điện mới, sản xuất và cung cấp năng lượng, đồng thời nhanh chóng giảm chi phí năng lượng cho người dân.
CẮT GIẢM NGÂN SÁCH CÁC CƠ QUAN KHÍ HẬU, THAY ĐỔI LÃNH ĐẠO CÁC CƠ QUAN MÔI TRƯỜNG
Kế hoạch 2025 của đội ngũ tranh cử Trump đặt mục tiêu cắt giảm mạnh ngân sách dành cho các cơ quan liên quan đến khí hậu quan trọng như Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Nội vụ (DOI).
Điều này không chỉ làm suy yếu khả năng thực thi các dự án giảm phát thải và bảo vệ môi trường, mà còn khiến nhiều chương trình đang triển khai rơi vào tình trạng đình trệ. Các cơ quan nghiên cứu khoa học khí hậu, gồm Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu (USGCRP), cũng sẽ đối mặt với tái cơ cấu tổ chức.
Mục tiêu của việc tái cơ cấu này là định hình lại cách thức vận hành và ưu tiên của các cơ quan, chuyển trọng tâm khỏi nghiên cứu giải pháp cho biến đổi khí hậu sang hỗ trợ lợi ích kinh tế và chính trị cho các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Ông còn cam kết bổ nhiệm các lãnh đạo cơ quan có tư tưởng “không thân thiện” với khí hậu, điều mà giới quan sát lo ngại có thể dẫn đến việc làm suy yếu các quy định và tiêu chuẩn môi trường hiện hành.
Một điểm trọng tâm khác trong Kế hoạch 2025 là thúc đẩy sản xuất dầu khí trong nước. Bằng cách giảm bớt các rào cản pháp lý và cấp phép, kế hoạch này nhằm gia tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch. Việc bổ nhiệm các lãnh đạo cơ quan thân thiện với ngành dầu khí sẽ giúp đảm bảo các chính sách ưu tiên khai thác tài nguyên thiên nhiên không bị cản trở bởi các quy định môi trường nghiêm ngặt.
Với sự hỗ trợ từ Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, ông Trump có thể nhanh chóng củng cố hệ thống tư pháp, biến đây thành công cụ hiệu quả để vô hiệu hóa các sáng kiến khí hậu của chính quyền tiền nhiệm. Điều này sẽ tạo ra một hệ thống pháp lý thiên về bảo vệ các ngành công nghiệp.
THU HỒI QUỸ, RÚT KHỎI THỎA THUẬN PARIS VÀ XUẤT KHẨU DẦU
Chiến thắng của ông Trump có thể làm dấy lên sự bất ổn với hàng tỷ USD tín dụng thuế dành cho năng lượng sạch. Ông dự định hủy bỏ tất cả khoản tiền chưa sử dụng từ Đạo luật Giảm Lạm phát, trong đó gồm hàng tỷ USD đầu tư cho năng lượng sạch. Điều này sẽ làm chậm tiến độ giảm phát thải ở các lĩnh vực trọng điểm như sản xuất điện và giao thông. Ngoài ra, Bộ Tài chính dưới thời Trump có khả năng sửa đổi các quy định, khiến các dự án và công ty khó tiếp cận tín dụng thuế hơn hoặc ưu tiên các khoản lợi ích cho nhiên liệu hóa thạch.
Dưới thời Trump 2.0, nguồn tài trợ quốc tế của Mỹ cho các dự án khí hậu có thể bị cắt giảm mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo và đang phát triển cần sự hỗ trợ để chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích nghi với thiên tai khí hậu. Nếu Mỹ giảm tài trợ thì các nước khác cũng có thể sẽ ngần ngại đóng góp, làm chậm tiến trình chống biến đổi khí hậu ở cấp toàn cầu.
Ông Trump từng rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris và dự định làm điều này một lần nữa, thậm chí cân nhắc rút khỏi cả Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Hành động đó một lần nữa làm suy yếu vai trò lãnh đạo của nước này trong các sáng kiến khí hậu toàn cầu, đồng thời sẽ làm giảm áp lực với các nước phát thải lớn khác.
Dưới thời ông Trump 2.0, năng lượng của Mỹ sẽ được “giải phóng”. Năm 2024, ông Trump tuyên bố ý định tiếp tục tăng sản lượng, đặc biệt là thông qua các chính sách khoan dầu mạnh mẽ hơn nữa. Ông lập luận rằng các biện pháp này có thể giảm chi phí năng lượng tới 50%.
Việc tạm dừng cấp phép xuất khẩu LNG mà chính quyền Biden thực hiện gần như sẽ bị hủy bỏ. Ông Trump đã cam kết sẽ dỡ bỏ lệnh tạm dừng này ngay trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng. Điều này có thể được thực hiện thông qua một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu Bộ Năng lượng tiếp tục xem xét các đơn xin cấp phép xuất khẩu LNG, đặc biệt là sang các quốc gia châu Á chiến lược và những nước không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ.
Bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế xanh dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 có vẻ ảm đạm. Dẫu vậy, giới chuyên gia nhận định, những nỗ lực “đảo chiều” từ cấp tiểu bang, địa phương và khu vực tư nhân của Mỹ được kỳ vọng có thể tiếp tục duy trì cam kết đối với các mục tiêu bảo vệ môi trường, ngay cả khi chính quyền Trump 2.0 thay đổi định hướng.