August 18, 2022 | 10:17 GMT+7

Lạm phát vượt 10%, Anh chìm trong khủng hoảng sinh hoạt phí chưa từng có tiền lệ

Điệp Vũ -

Lạm phát ở Anh trong tháng 7 tiếp tục lập kỷ lục mới của 40 năm, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 10,1% trong tháng 7...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lạm phát ở Anh trong tháng 7 tiếp tục lập kỷ lục mới của 40 năm, khi giá thực phẩm và năng lượng không ngừng leo thang gây sức ép hiếm thấy lên ngân sách của các hộ gia đình ở xứ sương mù.

Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 17/8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 10,1% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo tăng 9,8% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters và mức tăng 9,4% ghi nhận trong tháng 6. Đây là mức lạm phát cao nhất được ghi nhận ở Anh kể từ tháng 2/1982.

Lạm phát lõi - chỉ số không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá - tăng lên mức 6,2%, tăng từ mức 5,8% ghi nhận trong tháng 6 và cao hơn mức dự báo tăng 5,9% mà giới phân tích đưa ra.

ONS cho biết giá thực phẩm tăng là nhân tố gây lạm phát nhiều nhất ở Anh trong tháng 6 và tháng 7 năm nay. “Các siêu thị không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đẩy phần chi phí tăng thêm từ phía các nhà cung cấp về phía người tiêu dùng, khi bản thân họ phải đương đầu với tình trạng lạm phát chưa từng có tiền lệ vì chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao”, Giám đốc phụ trách chiến lược bán lẻ Kien Tan thuộc công ty tư vấn và kiểm toán PwC nhận định.

Để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đến nay đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp. Đầu tháng nay, BoE có đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1995, với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, đồng thời dự báo rằng đến quý 4 này, nền kinh tế Anh sẽ rơi vào cuộc suy thoái dài nhất dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

BoE cũng dự báo lạm phát ở Anh lập đỉnh ở 13,3% vào tháng 10. Bà Liz Truss và ông Rishi Sunak, hai ứng cử viên của Đảng Bảo thủ cầm quyền cho ghế Thủ tướng Anh, thay ông Boris Johnson từ ngày 5/9, đang đối mặt với sức ép lớn phải đưa ra những giải pháp triệt để nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa từng có tiền lệ.

Những dự báo mới nhất cho thấy hoá đơn năng lượng hàng năm bình quân của mỗi hộ gia đình ở Anh có thể tăng lên mức 4.266 Bảng (5.170 USD) vào năm tới, từ mức 1.971 Bảng hiện nay - con số đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Nhiều gia đình ở Anh hiện đã phải chọn giữa sưởi ấm và ăn uống.

Quý 2 năm nay, tiền lương thực tế ở Anh giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ ONS, và đây là mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Tiền lương bình quân không bao gồm tiền thưởng tăng 4,7%, nhưng chi phí sinh hoạt tăng vượt mức tăng trưởng của tiền lương, khiến túi tiền thực tế của người Anh teo đi.

“Các con số về lạm phát của ngày hôm nay một lần nữa nhắc nhở nhiều hộ gia đình ở Anh rằng họ đang đối mặt với một thời ký khó khăn tài chính đáng kể”, nhà quản lý quỹ Dan Howe của Janus Henderson phát biểu.

Nhà nghiên cứu Richard Carter của Quilter Cheviot dự báo BoE sẽ phải phản ứng trong cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo bằng một đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm nữa. Ông cũng cho rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh sẽ còn xấu đi trước khi có thể tốt lên.

“Bởi vậy, chắc chắn sẽ có nhiều sức ép đối với Thủ tướng mới của Anh trong việc giải toả bớt áp lực giá cả, và BoE cũng tiếp tục có một công việc đầy khó khăn để thực hiện”, ông Carter nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate