Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia từ đêm ngày 13/10 và sáng nay 14/10 ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to, lượng mưa tính từ 19h ngày 13/10 đến 8h ngày 14/10 có nơi trên 250mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 253.2mm, Hòa Phú (Đà Nẵng) 339.4mm, Hòa Phong (Đà Nẵng) 298,2mm, Núi Thành (Quảng Nam) 257,8mm,…
Từ ngày 14/10 đến sáng 16/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 800mm;
Khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 150mm. Ngoài ra, ở khu vực phía Nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm; khu vực Nam Trung bộ, các nơi khác ở Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa giông tập trung vào chiều và tối).
Cảnh báo, giai đoạn từ ngày 16-17/10 khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cấp 4; Quảng Nam cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấp 2; Hà Tĩnh cấp 1.
Cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trong khi đó, từ ngày 14/10 đến ngày 17/10, trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-8m, hạ lưu từ 1-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; trên các sông nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông La dao động ở mức BĐ1. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Tại tỉnh Quảng Bình, mưa lớn kéo dài từ ngày 13/10 tại các địa phương trong tỉnh Quảng Bình. Mưa cũng đã kéo dài trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa. Đến sáng nay (14/10), một số tuyến đường giao thông ở vùng biên giới huyện Minh Hóa đã bị lũ chia cắt.
Trên địa bàn xã miền núi Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), nước lũ tràn vào bản Lương Năng làm ngập khoảng 0,5m, người và phương tiện không qua lại được. Ngầm qua thôn Quyền (xã Thượng Hóa), ngập sâu khoảng 0,8m, dài khoảng 30m, người dân qua lại bằng cầu treo.
Tại các ngầm Ka Ai, Ka Định, Hà Nông (thuộc xã biên giới xã Dân Hóa), nước lên cao đến 0,8m, người và phương tiện không qua lại được. Một phần của bản Ka Ai và toàn bộ các bản Tà Rà, Hà Nông đã bị chia cắt.
Mực nước tại các ngầm Cô Pi, Tà Cổ (xã Trọng Hóa), bị ngập từ 0,5 - 0,8m. Người và phương tiện không qua lại được, đường vào 7 bản vùng trong của xã Trọng Hóa bị chia cắt.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã thành lập 7 tổ với 24 cán bộ, chiến sỹ tổ chức chốt chặn, tuyên truyền người dân không qua lại các khu vực nước chảy xiết, không vớt củi, đánh cá tại các khe, suối. Ngoài ra, 5 tổ công tác khác với 15 cán bộ, chiến sỹ phối hợp địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 14/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế có báo cáo thiệt hại bước đầu về tình hình mưa lũ trong hai ngày 12 - 13/10.
Theo đó, do mưa tần suất lớn, vùng đồng bằng đã gây ngập úng, ngập lụt các tuyến nội đô TP. Huế, các xã thuộc huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc.
Tại huyện Quảng Điền, mưa lớn, dòng nước xoáy chảy mạnh làm sạt lở nghiêm trọng, hở hàm ếch và ăn sâu vào nền đường với độ dài hơn 50m ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước. Nếu không kịp thời gia cố nguy cơ vỡ đê rất cao, gây nguy hiểm đến nhiều nhà dân sống xung quanh; ảnh hưởng đến hàng trăm hecta mặt nước nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang của người dân địa phương và chia cắt giao thông.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Điền huy động cán bộ, nhân viên và dân quân tự vệ về địa bàn phối hợp với Công an xã và lực lượng tại chỗ của địa phương tiến hành các biện pháp để gia cố chống vỡ đê. Đến nay, sự cố đã tạm khắc phục xong. Trong khi đó, do ảnh hưởng của thời tiết, tại bờ biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang cũng bị sạt lở nghiêm trọng, các tuyến đường dân sinh tại địa phương này có 7 điểm bị sạt lở với chiều dài 50m vào sâu 5-7m.
Đến sáng 14/10, một số địa phương trên địa bàn TP Huế, huyện Nam Đông, A Lưới, thị xã Hương Trà, Hương Thủy học sinh đã đi học trở lại. Còn lại một số địa phương vùng thấp trũng ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Tại Đà Nẵng, trong đêm 13 đến sáng 14/10 có 1.700 hộ dân với hơn 5.000 người sống dọc tuyến đường Mẹ Suốt thuộc phường Hòa Khánh Nam, UBND quận Liên Chiểu, được sơ tán, di chuyển đến nơi an toàn. Đây là khu vực bị ngập sâu nhất (từ 1 m đến trên 2 m) trong đợt mưa lớn kéo dài từ sáng 13/10.
Trưa 14/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và sạt lở đất.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Quân sự TP đã điều động 433 cán bộ chiến sĩ (CBCS) ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động 200 lượt CBCS hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển, các điểm sạt lở đường đèo Hải Vân.
Công an TP Đà Nẵng cũng huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ. Qua đó đã hỗ trợ sơ tán dân, di dời tài sản tại đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái, ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu.
Hiện toàn TP Đà Nẵng có 11 vị trí ngập từ 1 m trở lên. Cụ thể là năm vị trí tại phường Hòa Minh, sáu vị trí tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).
Tại huyện Hòa Vang có 381 hộ bị ngập. Tính đến 9 giờ 30 ngày 14/10, có 3.763 người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhiều nhất với 3.190 người được sơ tán. Về thiệt hại, ghi nhận ban đầu có 9,5 ha rau màu bị ngập. Một điểm sạt lở tại Km 905 đường đèo Hải Vân.
Sau khi nghe các đơn vị, địa phương báo cáo, ông Lê Trung Chinh đánh giá cao các quận huyện, sở ngành, các lực lượng vũ trang đã rất chủ động ứng phó với đợt mưa lớn này. Nhờ đó bước đầu giảm thiểu thiệt hại.
Trước dự báo còn mưa lớn, ông Chinh yêu cầu các quận huyện tiếp tục duy trì số lượng người dân đã sơ tán, đồng thời mở rộng hơn nữa. Người dân nào chưa sơ tán thì phải đi trước 16 giờ hôm nay 14/10.