Theo Báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 4.130,4 tỉ đồng.
WB ĐÃ THANH TOÁN CHO VIỆT NAM 41,2 TRIỆU USD TIỀN MUA TÍN CHỈ CARBON
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).
Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.
Đầu tháng 8/2023, WB đã thanh toán tiền ERPA đợt một cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỉ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD tương đương 249 tỉ đồng sẽ thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.
"Nguồn tiền bán tín chỉ carbon sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng".
Theo Cục Lâm nghiệp.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong số 6 tỉnh này, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỉ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỉ đồng, Thanh Hóa 162 tỉ đồng, Hà Tĩnh 122 tỉ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỉ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỉ đồng.
Bên cạnh số tín chỉ đã bán, WB đã xác nhận kết quả giảm phát thải toàn vùng Bắc Trung Bộ kỳ 1 (1/1/2018-31/12/2019) đạt 16,21 triệu tấn CO2 (tương đương 16,21 triệu tín chỉ). Trong đó, lượng chuyển nhượng theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2. Còn lại 5,91 triệu tấn CO2, WB muốn mua bổ sung 1 triệu tấn CO2. Còn 4,91 triệu tấn CO2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xin Chính phủ chấp thuận cho xây dựng phương án trao đổi, chuyển nhượng, thương mại để tạo nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại vùng Bắc Trung Bộ.
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
XUẤT KHẨU LÂM SẢN KHÔNG ĐẠT MỤC TIÊU
Liên quan đến tình hình xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023, Cục Lâm nghiệp cho biết chỉ đạt 14,390 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022. Nguyên nhân sụt giảm do thị trường có nhiều biến động bất ổn, đồng thời, chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine; người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ. Tuy vậy, giá trị xuất siêu của lâm sản vẫn ước đạt 12,199 tỷ USD.
Năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng khô hanh kéo nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Vẫn còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên; Nam Trung Bộ.
Thực trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới. Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng cho biết năm vừa qua là năm có nhiều khó khăn thách thức đối với ngành lâm nghiệp, từ việc đứt gãy chuỗi cung cầu gây ảnh hưởng giao thương, vấn đề logistic. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu là yếu tố ảnh hưởng ngành lâm nghiệp: Năm 2023, có đến 300 vụ cháy rừng, tuy nhiên, diện tích thiệt hại của nước ta vẫn ở mức thấp nếu so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới.
"Năm 2024, ngành lâm nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0-5,5%; trồng rừng tập trung 245.000 ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 17,5 tỷ USD..."
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng ghi nhận những nỗ lực vượt khó của ngành lâm nghiệp trong năm qua để đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành, nhiều chỉ tiêu đạt mức cao. Đặc biệt là các chỉ tiêu về trồng rừng, khai thác, thu dịch vụ môi trường rừng, tỷ lệ che phủ rừng...
Năm 2024, Cục Lâm nghiệp nhận định: Nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp,... Người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị ngành lâm nghiệp cần quan tâm đến công tác văn bản quy phạm pháp luật nhằm có các cơ chế chính sách được ban hành kịp thời.
Đồng thời, trên cơ sở dự báo tình hình xung đột còn kéo dài, thị trường xuất khẩu lâm sản còn khó đoán định, các yếu tố đầu vào, đầu ra của sản xuất còn nhiều biến động, để từ đó đưa ra mục tiêu về xuất khẩu lâm sản cụ thể, bám sát với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp cần tăng cường thực hiện tốt công tác chuyển đổi số nhằm giúp cho ngành nắm được các thông tin kịp thời về biến động rừng, sản xuất lâm nghiệp,…