December 30, 2022 | 17:55 GMT+7

Ngành lâm nghiệp xuất siêu trên 14 tỷ USD

Chu Khôi -

Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước khoảng 2,82 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu lĩnh vực lâm sản đạt tới 14,1 tỷ USD, cao kỷ lục và dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp…

Xuất siêu lĩnh vực lâm sản đạt tới 14,1 tỷ USD, cao kỷ lục và dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp.
Xuất siêu lĩnh vực lâm sản đạt tới 14,1 tỷ USD, cao kỷ lục và dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp.

Ngày 30/12/2022, Tổng cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

VƯỢT KẾ HOẠCH CẢ 5 CHỈ TIÊU

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết kết thúc năm 2022, cả 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Một là, cả nước đã trồng được 259.615 ha rừng, đạt 106,4% so với kế hoạch (rừng phòng hộ 8.636 ha, rừng đặc dụng 1.611 ha, rừng sản xuất 249.369 ha. Ngoài ra, cả nước cũng trồng được 122 triệu cây phân tán, đạt 103% so với kế hoạch.

Hai là, sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất (bao gồm cả cây phân tán) năm 2022 ước đạt 19.698,8 nghìn m3, vượt 6,57% kế hoạch, tăng 7,2% năm 2021.

Ba là, thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.686,96 tỷ đồng đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022; tăng 20,6% so với năm 2021. Trong đó Quỹ Trung ương thu được 2.285 tỷ đồng, còn lại là quỹ tỉnh. Trong năm 2022, Quỹ tỉnh đã thực hiện chi 2.804 tỷ đồng tiền năm 2021 (đạt hơn 108% kế hoạch) và tạm ứng 961,24 tỷ đồng tiền năm 2022 cho các chủ rừng.

Điều này đã góp phần kích thích các chủ rừng tích cực bảo vệ rừng và nhân rộng diện tích rừng trồng. Đến nay đã có 334 chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha, đạt 48,53% so với tổng diện tích rừng được giao. Còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng phương án, 212 chủ rừng chưa có phương án với tổng diện tích khoảng 4,2 triệu ha. 

Bốn là, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%.

Năm là, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021.

 

"Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%, lâm sản ngoài gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021".

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản chính của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tích cực và tiếp tục tăng trưởng: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu đạt 15,48 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất xuất khẩu của nhóm mặt hàng này.

Năm 2022, nước ta nhập khẩu gỗ nguyên liệu khoảng 2,82 tỷ USD, tăng 4,1%. Như vậy, ngành lâm nghiệp xuất siêu 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng và kim ngạch của toàn ngành nông nghiệp.

“Kết quả này là sự nỗ lực lớn của toàn ngành lâm nghiệp, nhờ tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, phục hồi kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự tích cực chủ động của ngành lâm nghiệp, doanh nghiệp đã kịp thời thích ứng với khó khăn, thách thức”, ông Bùi Chính Nghĩa khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nghĩa cho rằng ngành lâm nghiệp trong năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

"Đây là địa bàn nóng nhất về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa được phát hiện sớm để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và giải quyết kịp thời. Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy. Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới" - ông Nghĩa nói.

NĂM 2023: MỤC TIÊU XUẤT KHẨU GỖ VÀ LÂM SẢN 17,5 TỶ USD

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy. Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới.

 

"Năm 2023, ngành lâm nghiệp đề ra mục tiêu chính: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5-5,5%, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, trồng rừng tập trung 245.000 ha, trồng 140 triệu cây phân tán, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 22 triệu m3, thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 3.000 tỷ đồng".

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

Các chính sách liên quan đến đầu tư lâm nghiệp vẫn chưa hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh. Thống kê cho thấy thu nhập trên mỗi ha rừng trồng là rất thấp, chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, dẫn đến thu nhập của người trồng rừng thấp, chỉ chiếm 25% tổng thu nhập.

Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn rất ít, kinh phí nhà nước cấp hàng năm giảm, nơi có nơi không, cấp không kịp thời theo kế hoạch làm cho nhiều chủ rừng phải ký nợ tiền khoán bảo vệ rừng với người dân, mức khoán bảo vệ rừng trung bình khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ha, trong khi nhu cầu tối thiểu phải trên 1.000.000 đồng/ha.

Đề cập về vấn đề nguồn nhân lực cho ngành lâm nghiệp, PGS.TS Phạm Minh Toại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cũng chỉ rõ: Việc tuyển sinh các ngành kiểm lâm, lâm sinh rất khó khăn, tuyên truyền nhiều nhưng các ngành ngày chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các em học sinh. Thậm chí có năm, chỉ có 8-10 em học ngành lâm sinh. 

Để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2023, và thúc đẩy phát triển rừng và lâm nghiệp trong những năm tới, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014-NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. 

Đề nghị phê duyệt Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị yêu cầu ngành cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và triển khai Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giải đoạn 2021 – 2030.

"Ngành lâm nghiệp cần tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate