Người tiêu dùng Mỹ đang lùng sục các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc để mua túi xách, quần áo và phụ kiện “hàng hiệu” với giá hời, trong bối cảnh lo ngại rằng các nền tảng nội địa sẽ tăng giá do ảnh hưởng của thuế quan.
Các video lan truyền trên mạng xã hội ca ngợi chất lượng cao và giá rẻ của các sản phẩm có mặt trên các nền tảng Trung Quốc đã thúc đẩy người dùng Mỹ tải về các ứng dụng như DHgate – nền tảng đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí tại App Store Mỹ, theo dữ liệu từ SensorTower. Cổ phiếu của CTS International Logistics Corp – đơn vị hợp tác với DHgate – đã tăng kịch trần 10% trong phiên giao dịch hôm nay tại Thượng Hải.

Cùng với DHgate (còn được gọi là “Dunhuang” ở Trung Quốc và được một số người dùng Mỹ gọi là “Ứng dụng nhỏ màu Vàng”), các nền tảng như Taobao của Alibaba và Shein cũng nằm trong danh sách các ứng dụng mua sắm được tải về nhiều nhất trên App Store tại Mỹ.
TỪ TÚI XÁCH BIRKIN ĐẾN ĐỒ TẬP LULULEMON “DUPE”
Các nhà cung cấp và xưởng sản xuất Trung Quốc đang tận dụng TikTok để đăng tải loạt video nhằm giới thiệu với người tiêu dùng nước ngoài về “nguồn hàng chất lượng tốt.” Nhiều video trong số này tuyên bố rằng túi xách và quần áo mang nhãn hiệu châu Âu cao cấp thực chất đều được sản xuất tại Trung Quốc. Các video thường đính kèm liên kết tới website hoặc thông tin liên hệ, dẫn dắt người xem đặt hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp Trung Quốc này.

“Mọi người không cần phải tham gia ‘cuộc chơi Hermès’ chỉ để mua đúng một sản phẩm giống hệt với mức giá đắt đỏ. Hãy tiết kiệm tiền và đặt ngay chiếc túi Birkin hay Mini Kelly trên DHgate để kịp dùng trong mùa hè 2025”, – nội dung chú thích một video TikTok đang thịnh hành, quảng bá các mẫu túi Hermès trên DHgate. Và tất nhiên, những chiếc túi này đều là hàng nhái.
Một phiên bản nhái của chiếc ví cầm tay Louis Vuitton pochette có giá bán lẻ 1.490 USD được rao bán chỉ với 34 USD trên các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc. Một chiếc quần tập yoga thương hiệu Lululemon, vốn được niêm yết với giá 98 USD, được bán chỉ với 13 USD, và hơn 10.000 chiếc đã được bán, theo số liệu từ DHgate.
Và khi người tiêu dùng Mỹ ngày càng ngán ngẩm với mức giá tăng ngày càng bất hợp lý của các thương hiệu xa xỉ, họ bắt đầu tìm đến các lựa chọn hàng nhái “chất lượng cao” tại các sàn thương mại điện tử Trung Quốc, nơi có khả năng cung cấp các sản phẩm đồ hiệu giống hệt bản gốc với mức giá rẻ hơn gấp nhiều lần.

DHgate cho biết hiện có hơn 2,6 triệu nhà cung cấp đã đăng ký bán hàng, sản xuất trung bình hơn 30 triệu sản phẩm trực tuyến mỗi năm. Hệ thống của họ bao phủ khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, sở hữu hơn 10 kho hàng ở nước ngoài và vận hành hơn 100 tuyến logistics trên toàn cầu.
NGÀNH HÀNG XA XỈ “MADE IN CHINA”
Một video TikTok gây sốt từ tài khoản Senbags2 tuyên bố rằng 80% túi xách hàng hiệu thực chất được sản xuất tại Trung Quốc, đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem trước khi bị gỡ bỏ và tài khoản bị khoá. Nhưng hiện tại, Sen Bags đã hoạt động trở lại và tiếp tục thu hút sự chú ý. Trong bối cảnh cuộc chiến thuế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, với mức thuế tăng lên tới 145%, những video vạch trần này - cho rằng hàng hiệu phương Tây bị “đội giá khủng khiếp” - đang khiến nhiều người bức xúc.

Hiện nay, nhiều nhà máy Trung Quốc đã livestream để bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng toàn cầu, không cần thông qua các cửa hàng trung gian như trước. Xu hướng này rất hợp với giới trẻ Gen Z, những người luôn thích sự rõ ràng, minh bạch và ưu tiên sản phẩm giá hợp lý. Đây cũng là lý do vì sao “văn hóa hàng nhái, hàng dupe” – tức tìm mua những món đồ giống hàng hiệu nhưng rẻ hơn – đang trở nên phổ biến, và phần nào làm lu mờ sự hấp dẫn của hàng xa xỉ.
Hầu hết các thương hiệu xa xỉ đều tuyên bố sản xuất tại châu Âu: Chloé, Valentino, Tom Ford, Bvlgari, Mulberry và Stella McCartney (cùng nhiều thương hiệu khác) có xưởng sản xuất tại Ý; Goyard và Delvaux đặt xưởng tại Pháp, trong khi Mulberry và Anya Hindmarch sản xuất tại Anh.
Tuy nhiên, với làn sóng “tẩy chay hàng thật, sử dụng hàng nhái” hiện nay, có thể thấy rằng người tiêu dùng ngày nay rất dễ tin vào các tuyên bố chưa xác thực liên quan đến giá thành và tính minh bạch.

Loạt video TikTok viral từ các nhà sản xuất Trung Quốc không trực tiếp “vạch trần” bí mật sản xuất của các hãng xa xỉ phương Tây, nhưng đã góp phần định hình lại hình ảnh Trung Quốc như một trung tâm của tay nghề thủ công chất lượng cao.
Trong những video này, công nhân Trung Quốc trình diễn những sản phẩm tinh xảo gần như giống hệt với hàng hiệu đắt tiền, thách thức định kiến lâu nay về chất lượng và nguồn gốc của cụm từ “Made in China”.
Dù phần lớn các video này chứa thông tin sai lệch, chúng lại phản ánh rõ nét tâm lý người tiêu dùng đang thay đổi: hoài nghi về mức độ đội giá của các thương hiệu, khao khát tiếp cận sản phẩm xa xỉ dễ dàng hơn với mức giá rẻ, và sẵn sàng “vượt rào” khỏi hệ thống phân phối truyền thống vốn đầy tính chọn lọc của ngành hàng xa xỉ.
Trong khi các “ông lớn” như Louis Vuitton có đủ tiềm lực pháp lý để bảo vệ hình ảnh, thì những nhà thiết kế độc lập, thiếu nguồn lực tương tự, lại trở thành đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng hàng giả.
Xu hướng này không đơn thuần là một “cú đả kích” vào chủ nghĩa tư bản phương Tây, mà còn là khoảnh khắc khẳng định năng lực sản xuất và tay nghề của Trung Quốc. Khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng câu chuyện “mua trực tiếp từ xưởng sản xuất”, khái niệm về “xa xỉ” cũng đang dần thay đổi.