May 19, 2024 | 10:53 GMT+7

Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế lần đầu tổ chức tại TP.HCM

Vân Nguyễn -

Lễ hội “Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024” là lễ hội sâm quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Lễ hội  được kỳ vọng sẽ tạo môi trường giao lưu, xúc tiến thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp…

TP.HCM sẽ tổ chức Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế lần đầu tiên - Ảnh minh họa
TP.HCM sẽ tổ chức Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế lần đầu tiên - Ảnh minh họa

Sở Ngoại vụ TP.HCM vừa tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế lần đầu tổ chức tại TP.HCM. Đây là một lễ hội về ngành sâm và hương liệu, dược liệu với quy mô quốc tế lần đầu tiên do UBND TP.HCM tổ chức.

Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 24 – 26/5 tại trục đường Lê Lợi, phường Bến Nghé,  Quận 1, TP.HCM, với sự tham gia của đại diện một số bộ ngành, các địa phương cùng 60 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước có thế mạnh về sâm và hương liệu, dược liệu.

Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp ở các quốc gia cũng có thế mạnh về sâm và hương liệu, dược liệu như Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á…

Toàn cảnh họp báo thông tin về Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế lần đầu tổ chức tại TP.HCM.
Toàn cảnh họp báo thông tin về Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế lần đầu tổ chức tại TP.HCM.

Ông Lê Trường Duy, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đối ngoại và hội nghị quốc tế (FSC), cho biết lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024 là cơ hội để tiếp cận, trải nghiệm với các sản phẩm hàng hóa sâm và hương liệu, dược liệu đa dạng, chất lượng. Ngoài những hoạt động văn hóa, lễ hội còn là dịp tăng cường kết nối, thúc đẩy giao lưu thương mại, góp phần thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng với các nước.

Cũng tại buổi họp báo, bà Huỳnh Khánh Thủy Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết cơ quan này sẽ hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm tại lễ hội.

Tại khu vực triển lãm sâm và hương liệu, dược liệu Việt Nam, ban tổ chức sẽ bố trí khu vực kết nối, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp đến với người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế bằng hình thức tổ chức các hoạt động như chơi trò chơi để tặng sản phẩm dùng thử.

Giải thích lý do lễ hội được tổ chức tại TP.HCM, một địa phương không trồng sâm, ông Duy cho biết ngành sâm Việt Nam có nhiều tiềm năng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế.

Bên cạnh đó, TP.HCM có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sâm đặt trụ sở, đồng thời đây là thị trường sôi động, đầy tiềm năng. Hiện sâm Việt Nam đang xuất khẩu vào nhiều quốc gia nhưng sản phẩm chỉ mang tính thương mại, thương hiệu quốc gia còn yếu trong việc định vị sâm trên thị trường quốc tế.

 

Việt Nam có hơn 7.500ha trồng sâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai…

Theo Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tháng 6/2023, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu nâng diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000ha, 100% diện tích trồng được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate