Dù sản xuất bền vững đang trở thành khẩu hiệu của ngành thời trang, điều này lại đối đầu trực tiếp với thực tế tiêu dùng ngày càng quá mức – khi xã hội luôn khao khát giá thành rẻ hơn và tiêu thụ nhanh hơn. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn với giá cả, một hệ quả của thời kỳ lạm phát kéo dài. Thực tế này khiến các thương hiệu phải đối mặt với yêu cầu cân bằng giữa tính bền vững và lợi nhuận.
Năm 2024 đã chứng kiến những dấu ấn nổi bật trong hành trình bền vững của ngành thời trang, với cả những bước tiến đáng khích lệ và những thách thức không nhỏ. Dưới đây là những dấu ấn nổi bật về bền vững của ngành thời trang trong năm 2024.
CÁC CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY SỰ THAY ĐỔI ĐƯỢC BAN HÀNH
Tại Liên minh Châu Âu, một loạt quy định liên quan đến Thỏa thuận Xanh Châu Âu (European Green Deal) bắt đầu được triển khai chi tiết hơn vào năm 2024, với các mốc thời gian tuân thủ đầu tiên đang đến gần. Các quy định này bao gồm quản lý chất thải, trách nhiệm thẩm định chuỗi cung ứng và hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số, tất cả đều hướng tới xây dựng một hệ sinh thái thời trang bền vững và tuần hoàn.
Nhiều thay đổi lớn hơn cũng đang được cân nhắc: Châu Âu đang xem xét lệnh cấm PFAS (các chất hóa học “vĩnh cửu”), và Pháp đề xuất một dự luật chống lại thời trang nhanh. Tại Mỹ, Đạo luật Americas Act cung cấp 14 tỷ USD ưu đãi cho các sáng kiến thời trang tuần hoàn, trong khi bang California đã thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết vấn đề rác thải thời trang.
Tuy nhiên, cùng với hai bước tiến lại có một bước lùi. Tại Anh, các nhà hoạch định chính sách đã có một số chính sách đối mặt trực diện với các tập đoàn thời trang nhanh, nhưng vẫn chưa thể đưa ra đạo luật cụ thể. Đặc biệt, sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, động lực thay đổi của ngành thời trang tại quốc gia này dường như chững lại, kéo theo sự suy giảm niềm tin vào tương lai của thời trang bền vững.
NHỮNG BÊ BỐI CHẤN ĐỘNG CỦA CHUỖI CUNG ỨNG
Năm 2024, các vấn đề tác động xã hội trong ngành thời trang nổi lên như một tâm điểm. Những báo cáo về lao động cưỡng bức xuất hiện trong suốt năm, từ các thương hiệu thời trang nhanh cho đến các hãng thời trang xa xỉ hàng đầu. Tháng 3, một cuộc điều tra của Bloomberg cáo buộc Loro Piana, thương hiệu xa xỉ thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH, trả công rất thấp hoặc không trả gì cho cộng đồng cung cấp sợi lông cừu vicuña. (Loro Piana từ chối bình luận chính thức nhưng phủ nhận cáo buộc và tuyên bố với AFP rằng họ có “cam kết thực sự và lâu dài vì lợi ích của người dân địa phương”).
Tháng 5 năm 2024, các trang trại hoa nhài cung cấp nguyên liệu cho hãng mỹ phẩm Estée Lauder và L’Oréal bị tố liên kết với lao động trẻ em, được tiết lộ trong một phim tài liệu của BBC World Service. (Cả hai công ty thừa nhận vấn đề này và cho biết họ là thành viên sáng lập của “Harvesting the Future” – một liên minh bao gồm Chính phủ Ai Cập, Hiệp hội Lao động Công bằng và Tổ chức Lao động Quốc tế, đang tìm cách khắc phục tình hình. Liên minh này đã tổ chức bốn cuộc họp cấp quốc gia và soạn thảo các biện pháp bảo vệ lao động trẻ em nâng cao.)
Đến tháng 7, chính quyền Ý mở cuộc điều tra về các nhà cung cấp của Dior và Armani, cáo buộc điều kiện làm việc tồi tệ và mức lương thấp. (Cả hai thương hiệu tuyên bố đang hợp tác với chính quyền để giải quyết vấn đề). Những sự kiện này một lần nữa nhấn mạnh các thách thức đáng kể trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu.
NGÀNH VẬT LIỆU ĐỔI MỚI ĐỐI MẶT VỚI KHÓ KHĂN
Các vật liệu thế hệ mới đã trải qua một năm với nhiều thăng trầm. Năm 2024 khởi đầu đầy hứa hẹn tại Tuần lễ Thời trang Paris vào tháng 2, khi các công ty dệt may, nhà sản xuất và nhà đầu tư hợp tác để cho ra mắt một bộ sưu tập capsule hoàn toàn từ vật liệu thế hệ mới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này nhanh chóng bị rung chuyển bởi tin tức về việc Renewcell – một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực tái chế dệt may – tuyên bố phá sản, làm dấy lên lo ngại về khả năng mở rộng các sáng kiến đổi mới. Sau đó, công ty đã được mua lại và cựu CEO của Tập đoàn H&M, bà Helena Helmersson, được bổ nhiệm để dẫn dắt quá trình tái cấu trúc.
Sự việc này khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao việc mở rộng quy mô vật liệu thế hệ mới trong ngành thời trang lại khó khăn đến vậy. Trong khi đó, các startup trong lĩnh vực này bắt đầu chuyển hướng sang các ngành công nghiệp khác để tìm kiếm cơ hội.
Các thương hiệu, công ty vật liệu đổi mới và quỹ đầu tư mạo hiểm đều trăn trở câu hỏi: điều gì tạo nên một khoản đầu tư tốt, và ai sẽ là người tài trợ cho tương lai bền vững của ngành thời trang? Một số ý kiến cho rằng các thương hiệu bền vững nên tránh việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong khi đó, Shein – thương hiệu thời trang nhanh gây tranh cãi – lại có kế hoạch lên sàn tại London. Đáng chú ý, một công ty đầu tư tác động của Hà Lan đã rút toàn bộ vốn khỏi các công ty thời trang trong danh mục đầu tư của mình, với lý do thiếu tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu bền vững.
Những sự kiện này làm dấy lên cuộc thảo luận sâu rộng về cách ngành thời trang có thể cân bằng giữa lợi ích tài chính và cam kết phát triển bền vững.
TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐẦY ĐỐI LẬP
Năm 2024 chứng kiến sự phân cực rõ nét nhất trong hành vi tiêu dùng. Một mặt, các xu hướng vi mô (microtrend) và những trào lưu do thuật toán điều khiển trên Internet liên tục xuất hiện, được thúc đẩy bởi hàng loạt hợp tác giữa nhãn hàng và người có ảnh hưởng nhằm kích thích mua sắm bốc đồng. Mặt khác, các trào lưu như "de-influencing (giảm ảnh hưởng)" và "underconsumption core (tiêu dùng tối thiểu)" trở nên phổ biến, với nhiều người ủng hộ lối sống tối giản: dọn dẹp, sử dụng hết sản phẩm trước khi mua mới, và chỉ mua những gì thực sự cần thiết.
Trong bối cảnh này, các nhà nghiên cứu nhận định khủng hoảng khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là khủng hoảng hành vi, với việc nghiện mua sắm được coi như một xung lực tiến hóa.
Mặc dù thời trang bền vững đã đạt được một số thành tựu nhỏ, thay đổi toàn hệ thống vẫn là điều xa vời. Nhiều nhà cung ứng và thương hiệu đã bắt đầu rút lui khỏi các cam kết khí hậu, và lộ trình khử carbon hóa trong sản xuất thời trang dường như bị chệch hướng. Hệ thống hạ tầng tái chế của ngành thời trang cũng bị soi xét trong năm nay, khi các công ty tái chế dệt may cảnh báo ngành này đang trên bờ vực sụp đổ.
Vậy bước vào năm 2025, chúng ta mong đợi những gì từ ngành thời trang bền vững? Sự thất vọng ngày càng gia tăng trong giới chuyên gia về tính bền vững trước cách tiếp cận rời rạc của ngành và thiếu hành động tập thể thực sự ở tầm quốc tế. Khi sự kiện COP30 đang đến gần, nhiều chuyên gia hy vọng rằng những mục đích tốt đẹp sẽ được cụ thể hóa thành những tiến bộ rõ ràng.