Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2018 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2019.
Tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27 để ngăn chặn nguy cơ ách tắc tại cảng và phát sinh gian lận thương mại, thẩm lậu vào thị trường nội địa trong bối cảnh các nước trong khu vực tiếp tục siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 27 ngày 15/11/2019 quy định chi tiết danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.
Thông tư số 27/2019 sẽ thay thế Thông tư số 41/2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Danh sách các phế liệu gồm nhiều loại thạch cao, xỉ hạt từ công nghiệp luyện sắt thép, xỉ hạt từ luyện kim, xỉ tro và cặn chứa kim loại, các chất hoá học được kích tạp dùng trong điện tử, tấm phiến - màng - lá - dải bằng nhựa, giấy loại hoặc bìa loại, tơ tằm phế liệu, phế liệu lông cừu, lông động vật, lông cừu, phế liệu bông, xơ nhân tạo, vản vụn, dây thừng, thuỷ tin vụn, mảnh sắt vụn, đồng vụn, niken vụn, mảnh vụn nhôm, crom, mangan...
Tính đến ngày 15/2/2019, có hơn 23.000 container phế liệu đang lưu giữ tại cảng biên thuộc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố. Trong đó, có đến 9.825 container đã lưu giữ trên 90 ngày, nhưng khi các Cục Hải quan thông báo tìm chủ thì chỉ có 955 container có người đến nhận hoặc xác định được chủ hàng.
Trong số đó, lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất là ở Bà Rịa-Vũng Tàu với 9.468 container, tiếp theo là Hải Phòng và Tp.HCM với lần lượt 6.082 container và 4.689 container.