September 20, 2022 | 07:02 GMT+7

Loạt phí, lệ phí ngành giao thông vận tải bị "gạt" khỏi danh sách cắt giảm gây lo ngại thiếu minh bạch

Ánh Tuyết -

Mặc dù một số khoản phí, lệ phí trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường sắt và đường thuỷ nội địa được giảm tới 50% so với mức thu hiện hành đến hết năm 2022 nhưng hàng loạt khoản mục bị loại trừ khiến dư luận lo ngại chính sách chưa thực sự minh bạch...

Nhiều loại phí trong hoạt động hàng hải không được giảm gồm lệ phí ra, vào cảng biển, tàu thuyền vào, rời khu vực hàng hải, cảng chuyên dùng, cảng dầu khí ngoài khơi...
Nhiều loại phí trong hoạt động hàng hải không được giảm gồm lệ phí ra, vào cảng biển, tàu thuyền vào, rời khu vực hàng hải, cảng chuyên dùng, cảng dầu khí ngoài khơi...

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Dự thảo quy định giảm mức thu phí, lệ phí, từ 20-50% đến hết ngày 31/12/2022 đối với các lĩnh vực: hàng hải nội địa, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa. 

Theo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh việc ban hành thông tư quy định giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải do giá nhiên liệu tăng, bởi quy định này sẽ góp phần giảm chi phí kinh doanh và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, theo quy định tại dự thảo, chỉ một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường sắt, thủy nội địa mà không phải tất cả các loại phí, lệ phí trong các lĩnh vực này.

Chẳng hạn, đối với hoạt động hàng hải nội địa, dự thảo chỉ giảm mức phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa; phí bảo đảm hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa.

Các loại phí không được giảm gồm có phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước; lệ phí ra, vào cảng biển tàu thuyền vào, rời khu vực hàng hải, cảng chuyên dùng, cảng dầu khí ngoài khơi.

Đối với hoạt động hàng không dân dụng, dự thảo chỉ giảm đối với phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.

Theo đó, phí cấp lần đầu giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại chỉ còn 16 triệu đồng so với quy định hiện hành; phí cấp lần đầu giấy phép cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế chỉ còn 40 triệu đồng, giảm 10 triệu đồng so với trước...

"Các loại phí không được giảm là phí kiểm định cấp giấy chứng nhận loại tàu bay, chứng chỉ đủ điều kiện kỹ thuật các phương tiện thiết bị hàng không sản xuất mới đưa vào sử dụng; phí kiểm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho tàu bay (tính theo trọng tải cất cánh tối đa của từng loại tàu bay); phí thẩm định hồ sơ mua, bán, thuê, cho thuê tàu bay; phí cung cấp thông tin trong sổ đăng bạ tàu bay; phí phân tích dữ liệu bay; phí sát hạch đủ điều kiện cấp giấy phép nhân viên hàng không; lệ phí đăng ký các quyền đối với tàu bay...", VCCI liệt kê.

Đối với hoạt động thủy nội địa, dự thảo cũng chỉ giảm phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa; phí trình báo đường thủy nội địa; không giảm phí trọng tải.

"Việc giảm loại phí, lệ phí này nhưng không giảm loại phí, lệ phí khác trong cùng lĩnh vực hoạt động mà không có giải trình khiến cho chính sách chưa thực sự minh bạch. Đề nghị ban soạn thảo giải trình về các loại phí, lệ phí không được giảm và đồng thời cân nhắc mở rộng hơn việc giảm các loại phí, lệ phí trong các lĩnh vực được liệt kê ở trên", VCCI kiến nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate