Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG-UPCoM) vừa thông báo về việc hoàn tất thanh toán tiền lúa cho bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau sự cố dòng tiền.
Trong vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, Lộc Trời đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư và dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi suất) trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo giải thích của Lộc Trời, giữa tháng 4, tập đoàn đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng, đưa vào chế biến tại các nhà máy của tập đoàn đóng tại các địa phương. Riêng tại An Giang, Lộc Trời đã thu mua trên 120.000 tấn lúa, trị giá đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng, dù rất cố gắng, chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến nông dân.
Trong thông báo vừa phát đi, Lộc Trời cho biết đến ngày 20/5, tập đoàn đã phối hợp với TPBank hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với nông dân và chính quyền địa phương.
Theo đó, Lộc Trời cho biết các khoản chậm trả đã được cam kết trả lãi suất 0,8% một tháng (9,6% một năm) cho nông dân từ ngày 27/4 đến nay và đã trả dứt điểm hoàn toàn vào ngày 20/5.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân vì sự cố lần này. Đồng thời, bày tỏ cảm động trước sự chia sẻ, cảm thông của bà con; sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước dành cho tập đoàn.
Thời gian qua, trước biến động giá của thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành gạo trong đó có Lộc Trời cũng đã gặp phải không ít khó khăn.
Trong quý 1/2024, doanh thu của Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh tới 65%, kéo tụt lãi gộp của tập đoàn giảm 10% về 245 tỷ đồng; biên lãi gộp giảm từ 11% của cùng kỳ 2022 xuống còn 6,4%.
Bởi doanh thu mảng lương thực chiếm đến 85% cơ cấu doanh thu của Lộc Trời, nên sự sụt giảm biên lợi nhuận mảng này đã tác động mạnh tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý 1/2024.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng hơn 28% lên 188,6 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay cùng khoản lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn. Kết quả, Lộc Trời báo lỗ sau thuế 96 tỷ đồng trong quý 1, tăng đáng kể so với mức lỗ 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.
Lộc Trời cho biết hiện tập đoàn đang hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO); đàm phán với các ngân hàng trong và ngoài nước có cùng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đồng hành lâu dài, thống nhất các khoản tài trợ trung - dài hạn và dòng vốn ngắn hạn, hạn chế tối đa các "nút thắt cổ chai" về dòng tiền trong tương lai.