Khá nhiều cổ phiếu tụt giá chiều nay, dù độ rộng vẫn khá tốt và VN-Index duy trì được độ cao nhờ nhóm trụ nâng đỡ. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn phiên chiều đã giảm tới 17% so với phiên sáng. Đây là tín hiệu của lực cầu thận trọng hơn, trong khi bên bán có lượng hàng tồn dư sẵn sàng chốt gia tăng theo vòng quay.
Sự thay đổi của độ rộng vẫn là chỉ báo rõ nhất về trạng thái suy yếu nhẹ: Chốt phiên sáng VN-Index có 278 mã tăng/131 mã giảm, đến cuối phiên còn 267 mã tăng/152 mã giảm. Chỉ số không thay đổi nhiều, đóng cửa còn tăng 0,75% (+9,39 điểm) trong khi cuối phiên sáng đã tăng 9,41 điểm). Điều đó cho thấy nhóm cổ phiếu trụ có sự luân chuyển phù hợp.
VN30-Index đóng cửa tăng 0,57% so với tham chiếu, thậm chí còn mạnh hơn buổi sáng (tăng 0,47%) dù độ rộng kém hơn (18 mã tăng/4 mã giảm so với 22 mã tăng/4 mã giảm). Như vậy sự thay đổi đến từ cơ cấu trụ xoay vòng. TCB nổi lên thành trụ mới và mã này rất lớn trong VN30-Index. Chốt phiên sáng TCB chỉ đứng tham chiếu, thậm chí trong 45 phút đầu tiên của phiên chiều cũng chỉ nhích 1-2 bước giá. Đột nhiên nửa còn lại của phiên, giá được đánh thốc lên cực nhanh và đóng cửa tăng 2,1% so với tham chiếu. Chỉ riêng TCB đã đem lại 2,05 điểm cho VN-Index trong tổng mức tăng 7,36 điểm. Trong khi đó với VN-Index, TCB chỉ kéo được 0,78 điểm. VNM là trụ khác cũng khá tốt, chiều nay tăng thêm 0,53% nữa, chốt phiên tăng 2,98%. SAB riêng chiều tăng 1,58%, nâng tổng mức tăng cả ngày lên 2,66%.
Thống kê trong rổ blue-chips VN30, có 11 cổ phiếu cải thiện giá chiều nay, nhưng 13 mã khác tụt giá. Một số mã tụt giá có ảnh hưởng là HPG giảm 0,58% buổi chiều, đóng cửa còn tăng 0,98%. MSN tụt 0,64% còn +0,65%. BID tụt 0,42% còn tăng 0,84%. Nhìn chung mức độ biến động giá của rổ VN30 chiều nay khá nhẹ, trong 13 mã đi lùi, yếu nhất là POW cũng chỉ để mất 0,74% so với giá chốt buổi sáng, các mã còn lại đều rất nhẹ.
Mặt khác, độ lùi giá tổng thể của nhóm này cũng không nhiều. Trừ SAB và VNM còn chốt phiên ở giá cao nhất ngày, tất cả các cổ phiếu còn lại của rổ đều tụt giá ở mức độ nhất định, trong đó 9 mã tụt quá 1% so với mức cao nhất. BCM biến động xấu nhất, để mất khoảng 2,03% so với đỉnh nhưng chủ yếu là do buổi sáng có một nhịp đánh thốc quá mạnh. Thực tế phiên chiều BCM cũng đã ổn định. HPG cũng tương tự, đợt chốt lời có lợi nhất chỉ diễn ra trong vài chục phút giữa phiên sáng.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE chiều nay giảm gần 18% so với phiên sáng là tín hiệu khá rõ của lực cầu thận trọng trở lại. Trong khi đó độ tụt giá của cổ phiếu là phổ biến, xác nhận có áp lực bán tăng dù chủ yếu là ép giá ở vùng xanh. Điều này cũng không khó đoán vì biên độ tăng hôm cuối tuần rất tốt nên hàng T2,5 về tài khoản cũng đã có lời, chưa kể khối lượng mua tại đáy còn tồn lại.
Thống kê toàn sàn HoSE có 178 cổ phiếu tụt giảm quá 1% so với giá đỉnh của phiên, tương đương khoảng 47,7% tổng số mã có giao dịch. Một số mã xuất hiện áp lực bán rất rõ, tạo thanh khoản lớn và giá trượt giảm rõ rệt. DIG là ví dụ, dao động trong phiên tới -2,87% và đóng cửa dưới tham chiếu 0,21%, thanh khoản 328,2 tỷ đồng; HHV trượt giảm 3,3%, đóng cửa giảm 1,27%, giao dịch 62,4 tỷ đồng. Một số còn xanh nhưng cũng dao động mạnh như PDR để mất 2,79% còn tăng 1,86% lúc đóng cửa, thanh khoản 314,6 tỷ; HSG trượt -2,59% còn tăng 1,47%, khớp 250,6 tỷ; NKG trượt 2,53% còn tăng 2,42%, khớp 133 tỷ…
Thị trường sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước vẫn luôn chờ đợi khối lượng bán ngắn hạn sẽ tăng dần lên. Nhà đầu tư có thể lựa chọn mua đuổi giá hay chờ đợi giá đỏ mới tham gia. Thêm nữa, dòng tiền cũng có quyền lựa chọn tham gia cổ phiếu nào, vì không phải tất cả đều đã tăng nhanh trong nhịp vừa rồi. Phía ngược lại, nhà đầu tư cầm cổ phiếu cũng không nhất thiết phải bán giá quá thấp vì thị trường đang phát đi những tín hiệu mạnh mẽ. Thanh khoản co hẹp lại trong tình huống này mang tính thời điểm và cuối cùng cũng sẽ một bên chiến thắng.