Theo dự thảo báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước tháng 8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 8 tháng triển khai thí điểm, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt gần 2 triệu khách hàng, tăng 440% so với cuối năm 2021 và tăng 11% so với cùng kỳ tháng 6/2022.
Trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 1,3 triệu khách hàng, chiếm 68% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Tỷ lệ tài khoản Mobile Money đang hoạt động (active - có phát sinh ít nhất một giao dịch) trong 30 ngày đạt trung bình 20%, 90 ngày đạt trung bình 34%. Tỷ lệ này là tương đối khả quan và gần tiệm cận với mức trung bình của thế giới tương ứng là 26% và 38%.
Tổng số tài khoản Mobile Money đang hoạt động (theo tiêu chí của Ngân hàng Nhà nước có phát sinh ít nhất một giao dịch trong vòng 6 tháng) là hơn 1,8 triệu tài khoản, chiếm 93% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Đến cuối tháng 7/2022, đã có 8.045 điểm kinh doanh đã được thiết lập, trong đó có 4.068 điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới và hải đảo, chiếm 51% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.
Theo Hiệp hội các nhà khai thác di động toàn cầu (GSMA), việc phát triển các điểm kinh doanh là yếu tố dẫn đến thành công của dịch vụ Mobile Money khi một đại lý Mobile Money có phạm vi tiếp cận gấp 7 lần phạm vi của máy ATM và gấp 20 lần phạm vi tiếp cận của các chi nhánh ngân hàng.
Việc triển khai thí điểm Mobile Money đã góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Số khách hàng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 1,3 triệu (chiếm 68%).
Nhưng thực tế tốc độ phát triển điểm kinh doanh Mobile Money tại Việt Nam còn chậm khi mới phát triển được hơn 8.000 điểm, chưa đạt được như vùng phủ của các ngân hàng thương mại. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thiếu nguồn lực phát triển các điểm kinh doanh là pháp nhân tại vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, đến nay đã có 14.466 đơn vị chấp nhận thanh toán, trong đó chủ yếu là các đơn vị công nghệ thông tin cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông và các dịch vụ khác như xổ số, tài chính…
Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là gần 13 triệu giao dịch với tổng giá trị các giao dịch là hơn 740 tỷ tổng.
Doanh thu thu được của các doanh nghiệp (gồm doanh thu từ phí dịch vụ thu của khách hàng và doanh thu phí thu hộ đối tác trả cho doanh nghiệp) lũy kế đến hết tháng 7/2022 đạt gần 442 triệu đồng.
Căn cứ số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng trung bình 6 tháng đầu năm 2022 của 3 doanh nghiệp là 31%. Số lượng khách hàng phát triển mới trung bình hàng tháng là 234.428 khách hàng.
Tuy nhiên tốc độ này có xu hướng giảm qua các tháng một phần do lũy kế các khách hàng ngày càng tăng. Tháng 1/2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 64% do các doanh nghiệp đẩy mạnh các chương trình truyền thông và khuyến mại vào dịp tết nguyên đán. Nhưng đến tháng 7/2022 tốc độ này chỉ đạt 11%.
Căn cứ tình hình thực tế, Cục Viễn thông dự kiến sẽ giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp tăng trưởng thêm 20% số lượng khách hàng mới hàng tháng. Như vậy, đến hết năm 2022, có thể đạt được 3,5 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money trên cả nước.
Với mục tiêu thí điểm dịch vụ an toàn, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau 2 năm thí điểm và đề xuất chính sách quản lý phù hợp.