July 25, 2024 | 14:24 GMT+7

Một thế hệ mới các nhà bán lẻ đa thương hiệu đang xuất hiện

Hoàng Anh -

Một thế hệ mới các nhà bán lẻ đang tái định nghĩa mô hình kinh doanh bán buôn để hỗ trợ các tài năng mới nổi và ủng hộ sự cá nhân hóa. Liệu đây có phải là câu trả lời cho chuỗi cung ứng có phần lỗi thời hiện nay?...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thị trường bán lẻ thời trang truyền thống đang dần lạc hậu là điều không thể phủ nhận. Trước những kết quả tài chính không mấy khả quan của các ông lớn như Farfetch và Net-a-Porter, ngày càng có nhiều lo ngại rằng mô hình bán sỉ đã đi đến hồi kết đối với các thương hiệu độc lập.

Đối với các thương hiệu, những bất lợi khi làm việc với các nhà bán lẻ lớn đã được ghi nhận rõ ràng: phí vận chuyển nặng nề, tỷ lệ bán hàng không đảm bảo, điều khoản thanh toán ngày càng khó khăn và chi phí sản xuất cao để đáp ứng đơn hàng đúng hạn. Sự khác biệt hiện tại là gì? Ngay cả những ông trùm bán lẻ danh tiếng nhất cũng không còn mang lại sự tin tưởng, khuyến khích nhiều nhà thiết kế mới nổi tìm kiếm các kênh bán hàng thay thế.

Đó là sự xuất hiện của những gì được gọi là "thị trường thời trang ngang" (horizontal fashion markets), cung cấp bán lẻ đa thương hiệu với các điều khoản thuận lợi hơn cho các thương hiệu. Mô hình này loại bỏ các yếu tố cắt giảm lợi nhuận bên ngoài, bao gồm chi phí nhà máy và hoa hồng thương mại điện tử hoặc chi phí cửa hàng, thay vào đó tập trung vào các thiết kế độc đáo, những nhà thiết kế độc lập, nhỏ lẻ và các mô hình kinh doanh ngày càng bền vững.

Một trong những cái tên dẫn đầu xu hướng này là Nasir Mazhar, người sáng lập Fantastic Toiles - một nhà bán lẻ thiết kế linh động, giúp các thương hiệu và nhà thiết kế độc lập giảm chi phí cố định thường phát sinh khi bán hàng thông qua các cửa hàng hoặc các nhà bán lẻ lớn. Mô hình hợp tác này hỗ trợ các thiết kế thủ công, tiên phong được nhiều khách hàng tiếp cận hơn với mức giá phải chăng, do không có phí chênh lệch.

Nasir Mazhar sẽ lựa chọn các thiết kế phù hợp với tinh thần thủ công và phong cách của Fantastic Toiles, tạo thành một danh sách các nhà thiết kế hoặc thương hiệu để tham gia bán sản phẩm vào mỗi đợt pop-up hai tháng một lần. Điều quan trọng là không nhà thiết kế nào phải trả phí hoa hồng để tham gia, chỉ một khoản phí cố định nhỏ để thuê chỗ bán.

Các thương hiệu và nhà thiết kế độc lập sau khi được chọn sẽ cung cấp thiết kế của mình, giúp trang trí địa điểm pop-up và mỗi người đóng góp một ca làm việc tại quầy thu ngân, khu vực bán hàng hoặc phòng thử đồ. Toàn bộ lợi nhuận sẽ thuộc về các nhà thiết kế, và mọi chi phí về địa điểm hoặc thiết kế đều được chia đều.

Điều quan trọng là không nhà thiết kế nào phải trả phí hoa hồng để tham gia, chỉ một khoản phí cố định nhỏ để thuê chỗ bán.
Điều quan trọng là không nhà thiết kế nào phải trả phí hoa hồng để tham gia, chỉ một khoản phí cố định nhỏ để thuê chỗ bán.

Một mô hình kinh doanh thời trang thú vị khác là APOC, nền tảng bán hàng trực tuyến dành cho các nhà thiết kế độc lập được thành lập bởi Ying Suen và Jules Volleberg vào năm 2020. APOC thu 35% hoa hồng từ giá bán lẻ của một sản phẩm, phần còn lại thuộc về nhà thiết kế. "Bạn có thể tham gia nền tảng của chúng tôi nếu bạn chỉ có một ít mẫu thiết kế và không cần hàng tồn kho lớn, vì chúng tôi cũng hoạt động theo mô hình đặt hàng," Jules Volleberg cho biết.

"Chúng tôi đã hợp tác với nhiều sinh viên và thường xuyên là nhà bán lẻ đầu tiên của một thương hiệu mới. Mô hình kinh doanh của chúng tôi về cơ bản loại bỏ rủi ro tài chính đáng kể cho các thương hiệu độc lập, cho phép họ bắt đầu từ nhỏ và phát triển chậm nếu có nhu cầu".

THÁCH THỨC VÀ TIỀM NĂNG CỦA MÔ HÌNH KINH DOANH MỚI

Nasir Mazhar cho rằng vẫn tồn tại một khoảng cách giữa mua sắm, bán lẻ truyền thống, từ sàn diễn đến bán sỉ và các mô hình mới hơn. "Chúng tôi và những nhà bán lẻ lớn khác không giống nhau. Các nhà thiết kế như trong Fantastic Toiles, những người làm việc với các sản phẩm tái chế tùy chỉnh, sẽ không thể hoặc không muốn mở rộng sản xuất của họ, khác hẳn với các thương hiệu lớn khác.

Mô hình kinh doanh của APOC cũng gặp một số thách thức, vì lợi nhuận sẽ thấp hơn và kiểm soát hàng tồn kho ít hơn. Thực tế, các nhà thiết kế mới nổi có thể không có nguồn lực để sản xuất hàng tồn kho theo kịp với nhu cầu tăng lên của khách hàng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều nhà thiết kế sáng tạo ưa chuộng mô hình này.

"Chúng tôi vẫn nhận được khoảng 100 đến 200 đơn đăng ký mỗi tháng từ các nhà thiết kế và muốn hỗ trợ một cộng đồng nhà thiết kế toàn cầu rộng lớn hơn," Jules Volleberg cho biết. "Thật không may, do hạn chế về năng lực, chúng tôi chỉ có thể chấp nhận một đến hai nhà thiết kế mới mỗi tháng".

Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng, bộ đôi nhà sáng lập của APOC đã có thể mạnh dạn mở rộng quy mô. "Hiện tại APOC đã ổn định hơn, nên chúng tôi cảm thấy sẵn sàng và tự tin để tiến bước tiếp theo và sẵn sàng tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp trong năm nay".

Thực tế, các nhà thiết kế mới nổi có thể không có nguồn lực để sản xuất hàng tồn kho theo kịp với nhu cầu tăng lên của khách hàng.
Thực tế, các nhà thiết kế mới nổi có thể không có nguồn lực để sản xuất hàng tồn kho theo kịp với nhu cầu tăng lên của khách hàng.

Đồng thời, việc tìm kiếm nguồn vốn vẫn là một thách thức đối với các mô hình kinh doanh mới này. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự thay đổi trong ngành bán lẻ. Bên cạnh mô hình bán sỉ truyền thống, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh phân phối để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.

Giáo sư trợ giảng CFA tại trường học thời trang Parsons The New School, bà Marie Driscoll nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ tệp khách hàng, sản phẩm phù hợp và lợi nhuận. Các yếu tố như mạng xã hội, thương mại điện tử, câu chuyện thương hiệu và trải nghiệm mua sắm độc đáo cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của một doanh nghiệp. Không có một mô hình nào phù hợp với tất cả, mà phụ thuộc vào từng thương hiệu, khách hàng và thị trường mục tiêu.

“Gen Z và Gen Alpha - tệp khách hàng tiềm năng của các mô hình bán lẻ - đang thay đổi tương lai của cả thị trường thứ cấp và thị trường truyền thống, chịu ảnh hưởng bởi thương mại ngang hàng và tạo nội dung,” Nick Stickland, đồng sáng lập kiêm CEO của Upstream, một nền tảng livestream thời trang cho phép người đăng ký trả phí hoặc người dùng trả trước thuê hoặc mua sản phẩm từ các nhà thiết kế độc lập, cho biết. “Họ mong muốn sở hữu những sản phẩm thời trang cao cấp nhưng giá cả phải chăng và trải nghiệm mua sắm không ràng buộc”.

Một thế hệ mới các nhà bán lẻ đa thương hiệu đang xuất hiện - Ảnh 1

Tương lai của những mô hình kinh doanh thời trang độc lập vẫn còn để ngỏ, nhưng không thể phủ nhận rằng chúng là dấu hiệu của sự thay đổi trong bán lẻ đa thương hiệu, đặc biệt là đối với các nhà thiết kế độc lập.

Thời đại mua sắm thông qua các nhà bán lẻ đa thương hiệu vẫn chưa kết thúc. Sự phát triển của các mô hình bán lẻ mới này cho thấy sự cần thiết phải thích ứng với sự thay đổi của thị trường và hành vi của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp thành công sẽ là những doanh nghiệp biết kết hợp linh hoạt các kênh phân phối và tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo cho khách hàng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate