Không chỉ tạo nên cơn sốt ở Mỹ, các nước châu Âu, ngày hội giảm giá Black Friday đã trở nên phổ biến tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong thời điểm cuối năm, nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh đã đưa ra các chương trình khuyến mãi, hạ giá rầm rộ để hút khách.
Trong ngày Black Friday, đa phần mọi mặt hàng đều được giảm giá thấp nhất từ 10-30%, thậm chí nhiều thương hiệu còn giảm mạnh từ 70 – 75%, thậm chí lên đến 80%, 90%. Do đó, Black Friday được xem là ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm.
Tại Mỹ và một số nước châu Âu, các nhà bán lẻ đã sớm nhận thấy nhu cầu mua sắm mạnh mẽ từ mùa Thu năm nay, khi các chiến dịch mua sắm dịp lễ Halloween đã mang lại những tín hiệu lạc quan.
Theo Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ, các chi phí riêng trong dịp lễ Tạ ơn năm nay ước tính sẽ tăng hơn 14%. Trong khi đó, các chỉ số dự báo của tập đoàn phần mềm máy tính Adobe lại cho thấy thương mại điện tử có thể chiếm 25% các khoản chi tiêu cho dịp lễ cuối năm năm nay.
Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ thì cho rằng doanh số bán hàng trong dịp lễ cuối năm sẽ tăng từ 8,5 - 10,5%, song cũng nhấn mạnh rằng sự thành công của mùa mua sắm này còn phụ thuộc vào kho hàng của các nhà bán lẻ.
Trên thực tế, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, mùa Black Friday năm nay đã bắt đầu sớm và có khả năng kéo dài hơn bình thường.
Trong một hội nghị kinh doanh tuần trước, một số nhà bán lẻ lớn như Walmart, Target, Best Buy, Costco và Kohl's cho biết họ đã bắt đầu ngày Black Friday sớm hơn 1 - 2 tuần so với mọi năm. Amazon và Currys bắt đầu tung các chương trình giảm giá từ trong tháng 11. Nhà bán lẻ Best Buy đã đưa ra một số ưu đãi Black Firday từ giữa tháng 10. Hiện tại, Best Buy đang khởi động hàng nghìn khuyến mãi hấp dẫn nhất từ sớm hơn một tuần.
Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Premise, người tiêu dùng Mỹ bắt đầu mua sắm quà tặng sớm cho ngày lễ vì lo sợ thiếu hàng vào cuối năm. Giám đốc điều hành Premise, Dakid Bischof cho biết, nếu năm ngoái, giữa đại dịch, các nhà bán lẻ thu xếp được đợt bán hàng kéo dài nhờ số lượng bán hàng trực tuyến tăng lên, thì lần này tại các kho hàng ở Mỹ, hầu hết mọi thứ đã kết thúc và kể cả trong trường hợp giao hàng, hàng hóa sẽ không thể chuyển đến địa chỉ vì thiếu tài xế.
Trong khi đó, do tắc nghẽn tại các cảng, nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu. Vì vậy, hàng hóa trong các kho hàng ở Mỹ gần như không còn. Những hạn chế do đại dịch cũng buộc các doanh nghiệp phải mở rộng thương mại trực tuyến và giao hàng để bù đắp cho doanh thu tại các cửa hàng cũng như giảm diện tích nhà kho. Nhiều người đã giảm mua từ các nhà cung cấp nước ngoài vì không đủ nhu cầu.
Thời điểm nay, khi nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi, các công ty không thể nhanh chóng cung cấp đủ hàng hóa cho người tiêu dùng, dẫn đến sự tăng giá đáng báo động. Để đề phòng tình trạng này, các nhà bán lẻ đã ráo riết chuẩn bị từ rất sớm, chẳng hạn như nhập khẩu và lưu trữ các mặt hàng, đặt hàng và vận chuyển bằng đường hàng không. Thậm chí một số nơi còn thuê tàu vận chuyển riêng. Tuy nhiên, các máy chơi trò chơi điện tử (game) và một số sản phẩm điện tử có nhu cầu cao của Apple hoặc các công ty khác vẫn được cho là đặc biệt khó tìm.