Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính tháng 6/2023 đang dần thu hẹp khoảng cách với giá trị mà ngành đạt được trong cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt 143 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, nếu như kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức này thu hẹp chỉ còn 15%, đạt mức 48 triệu USD.
Vasep cho biết đất nước tỷ dân này luôn đứng top 1 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Sự thu hẹp khoảng cách này có thể coi là một trong những dấu hiệu tốt cho ngành xuất khẩu cá tra.
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ tháng 6/2023 đạt gần 23 triệu USD, mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng âm 2 con số trong tháng 6/2023, nhưng so với 2 tháng trước đó, khoảng cách cũng đã được thu hẹp. Cụ thể, tháng 5/2023 xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 53% và tháng 4/2023 giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 3,3 USD/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo VASEP, ngoài yếu tố lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ giảm thì vấn đề tồn kho lớn, khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chìm trong tăng trưởng âm. Giá sản phẩm từ hàng tồn bán ra giảm khiến cho giá hàng nhập khẩu mới bị cạnh tranh và dìm giá.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 5/2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm đáng kể so với mức 4,3% ghi nhận vào tháng trước.
Trong tháng 6/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 21 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường trong khối cũng giảm nhập khẩu cá tra từ 23% - 55%.
Tình hình khó khăn phản ánh trong kết quả kinh doanh của “ông lớn” ngành cá tra Vĩnh Hoàn khi tháng 6 có doanh thu 846 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 11% so với tháng 5 trước đó. Tháng qua đã là tháng thứ 6 liên tiếp doanh thu công ty này sụt giảm hai chữ số so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hòa đạt 4.921 tỷ đồng, giảm 34% so với nửa đầu 2022.
Mặc dù vậy, theo dự báo của Vasep, hiện nay, số lượng cá tra tồn kho ở nhiều nước đang giảm dần. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ các mùa lễ hội sắp tới dự báo tăng mạnh, khi đó thị trường xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn.
Ở khía cạnh khác, sau một thời gian giữ mức cao, hiện tại, giá thức ăn cá tra đang giảm. Điều này sẽ tạo điều kiện, giúp nông dân đẩy mạnh thả nuôi vào các tháng cuối năm.
Cụ thể, so với đầu năm nay, giá thức ăn dao động ở mức 12.800 - 13.000 đồng/kg, giảm 600 - 1.000 đồng. Giá giảm chủ yếu do diện tích nuôi thủy sản giảm.
Hiện thức ăn chiếm từ 50 - 70% chi phí giá thành sản xuất thủy sản. Ngành nông nghiệp khuyến cáo cần liên kết với nhà máy thức ăn, doanh nghiệp chế biến, hệ thống ngân hàng… để tiếp cận nguồn vốn lãi suất tốt, nguồn thức ăn giá thấp và được bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, để ngành cá tra phát triển hiệu quả và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có nhiều cơ chế, chính sách và thay đổi mang tính đột phá từ khâu nuôi, chế biến, tới xuất khẩu.
Dự báo nửa cuối năm, công ty chứng khoán SSI cho rằng triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao. Dẫu vậy, các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu cải thiện lợi nhuận nhờ giá đầu vào và chi phí vận chuyển giảm.