October 18, 2023 | 11:30 GMT+7

Mỹ siết “gọng kìm” hạn chế bán chip cho Trung Quốc

Bình Minh -

Việc mở rộng phạm vi hạn chế cả về loại chip và quốc gia áp dụng nhằm khắc phục những lỗ hổng của chương trình kiểm soát xuất khẩu chip mà Mỹ công bố vào tháng 10 năm ngoái...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Mỹ ngày 17/10 công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, trong đó siết chặt hơn nữa việc bán cho Trung Quốc các loại chip trí tuệ nhân tạo (AI) được thiết kế bởi Nvidia và các công ty Mỹ khác. Động thái này là sự gia tăng nỗ lực của Washington nhằm khiến Trung Quốc không thể tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của Mỹ.

Theo tin từ Reuters, các quy định mới có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi công bố, sẽ đặt ra hạn chế đối với việc bán nhiều loại chip và thiết bị sản xuất chip hiện đại, trong đó có chip AI, cho nhiều quốc gia gồm Trung Quốc, Iran và Nga. Quy định mới cũng đưa hai công ty thiết kế chip của Trung Quốc mà Moore Threads và Biren vào danh sách đen.

Việc mở rộng phạm vi hạn chế cả về loại chip và quốc gia áp dụng nhằm khắc phục những lỗ hổng của chương trình kiểm soát xuất khẩu chip mà Mỹ công bố vào tháng 10 năm ngoái.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói với báo giới rằng Washington có thể cập nhất ít nhất mỗi năm một lần việc kiểm soát xuất khẩu chip. Bà Raimondon nói mục đích là nhằm giới hạn khả năng của Trung Quốc trong việc tiếp cận “các thiết bị bán dẫn tiên tiến có khả năng dẫn tới những bước đột phá về AI và máy tính cấp cao - những công nghệ và thiết quan quan trọng đối với ứng dụng trong quân đội của Trung Quốc”.

Cũng theo lời bà Bộ trưởng, chính quyền Tổng thống Joe Biden không nhằm mục đích gây tổn hại cho Bắc Kinh về mặt kinh tế, nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu số lượng chip trị giá hàng trăm tỷ USD từ Mỹ.

Người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói Bắc Kinh “cực lực phản đối” các hạn chế mới mà Mỹ đưa ra, rằng “việc tuỳ tiện áp đặt hạn chế hoặc cố tình tìm cách phân ly để phục vụ mục đích chính trị là vi phạm các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng và xói mòn trật tự kinh tế và thương mại quốc tế”.

Động thái mới cho thấy Mỹ đang chật vật trong việc kìm hãm xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc ngay cả khi ngày càng có nhiều mối lo rằng công nghệ Mỹ được sử dụng cho việc hiện đại hoá quân đội Trung Quốc.

Hồi tháng 6, Reuters đưa tin rằng chip AI của Mỹ thuộc diện hạn chế của quy định công bố vào năm ngoái vẫn có thể được mua từ các nhà cung cấp ở Thẩm Quyến, Trung Quốc. Một báo cáo của Đại học George Town vào tháng 6/2022 cho biết đã có 97 con chip AI của Mỹ được mua thông qua đấu thầu quân sự trong khoảng thời gian 8 tháng trong năm 2020, và hầu như toàn bộ những con chip này được thiết kế bởi các công ty Mỹ gồm Nvidia, Xilinx, Intel và Microsemi.

Quy định mới sẽ miễn trừ hầu hết các loại chip sử dụng cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng như laptop và smartphone, nhưng một số loại chip trong số này cần tới sự cấp phép và báo cáo với giới chức Mỹ để được cung cấp cho đối tác Trung Quốc.

Quy định công bố năm ngoái đặt ra giới hạn về năng lực điện toán và khả năng giao tiếp của các con chip mà doanh nghiệp Mỹ có thể bán cho Trung Quốc. Đây là một yếu tố quan trọng đối với chip AI vì trong các siêu máy tính AI có hàng nghìn con chip phối hợp để xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ.  Để “lách” quy định này, Nvidia và Intel đã tạo ra những con chip dành riêng cho thị trường Trung Quốc, giữ nguyên năng lực điện toán nhưng hạn chế tốc độ giao tiếp trong mức giới hạn mà Mỹ đưa ra.

Quy định mới đặt ra giới hạn đối với năng lực điện toán đối với tổ hợp chip đặt trong một kích thước nhất định - nhằm tránh tình trạng “lách” luật nói trên.

Đối với hai công ty thiết kế chip Trung Quốc Moore Threads và Biren, các nhà cung cấp Mỹ sẽ phải trả qua một quy trình cấp phép khó khăn trước khi có thể bán sản phẩm. Đây là hai startup được thành lập bởi cựu nhân viên của Nvidia và có mục đích cạnh tranh với Nvidia trong lĩnh vực chip AI.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate