Thực trạng này được đưa ra trong báo cáo kết quả khảo sát thường niên 15.000 khách hàng của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo công bố ngày 29/1.
GẦN 46% ĐƠN VỊ SỤT GIẢM DOANH THU TRÊN 30%
Khảo sát cho thấy, các nhà bán hàng bị ảnh hưởng doanh thu nặng nề so với năm 2022, tiếp cận nguồn vốn khó khăn nên không chi tiêu mạnh tay cho marketing và tiếp thị.
Cụ thể, số nhà bán hàng ghi nhận sự giảm sút doanh thu chiếm tới 60,13%. Riêng trong ngành bán lẻ, tỷ lệ này là 60,99%.
Trong số đáp viên đánh giá "bị sụt giảm doanh thu trong năm 2023", có đến 45,92% nhà bán hàng bị sụt giảm trên 30% doanh thu. Mặt khác, tỷ lệ nhà bán hàng bị giảm doanh thu từ 10%- 30% chiếm 36,81%.
Các chủ cửa hàng có xu hướng cắt giảm nhân viên; thể hiện ở tỷ lệ cửa hàng có dưới 5 nhân viên đã tăng lên (chiếm 69,64% đáp viên tham gia khảo sát). Đặc biệt là sự gia tăng của mô hình cửa hàng không có nhân viên (chủ cửa hàng tự vận hành (9,27%).
Cũng theo kết quả khảo sát, có những điểm thay đổi trong năm qua khi một số nhà bán hàng đã chuyển dịch từ mô hình cá nhân (không đăng ký kinh doanh) sang mô hình hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty (giảm từ 35% năm 2022 còn 29% năm 2023).
Bên cạnh đó, nhóm nhà bán hàng có doanh thu trung bình 2023 ở mức 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và trên 2 tỷ đồng đã tăng 3% so với năm 2022. Tuy giá trị đơn hàng trung bình có dấu hiệu sụt giảm (phổ biến ở mức dưới 300.000 đồng/đơn), nhưng nhóm có doanh thu cao trong ngành Bán lẻ lại tăng lên.
Theo phân tích, điều này cho thấy một số nhà bán hàng đã áp dụng thành công các chiến thuật mở rộng kinh doanh, bán thêm các sản phẩm mớivà chuyển dịch sang tệp khách hàng có khả năng chi trả tốt hơn.
Sự sụt giảm về doanh thu cũng được thể hiện qua các hoạt động marketing. Các nhà bán hàng tập trung tối ưu chi phí, hầu hết chỉ sẵn sàng chi trả dưới 10% doanh thu cho marketing.
Tuy được đánh giá là xu hướng chung trên toàn cầu, nhưng tiếp thị qua người nổi tiếng, người ảnh hưởng (KOL, Influencers) vẫn nhận nhiều sự dè dặt từ phía người kinh doanh trong ngành bán lẻ. Tỷ trọng chi phí marketing cho kênh này chỉ chiếm 5,24%- xếp sau cả hình thức tiếp thị truyền thống là SEO website. Nhà bán hàng đang tận dụng KOL/influencers phần lớn đang kinh doanh lĩnh vực nước hoa, mỹ phẩm; đồ mẹ & bé; đồ gia dụng; thời trang, quần áo, phụ kiện…
Bên cạnh đó, việc tạo chương trình khuyến mại giảm giá vẫn là phương thức thúc đẩy doanh thu hiệu quả nhất, chiếm đến 41,12% tỷ trọng các hình thức thúc đẩy doanh thu được nhà bán hàng ưa chuộng.
Về nguồn vốn, khảo sát cho thấy, 67% nhà bán hàng chủ động được vốn tự có, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm đang kinh doanh trên đa kênh (54%); thời gian kinh doanh trên 3 năm (58%). 11% nhà bán hàng gặp hạn chế khi vay ngân hàng và đang cần những giải pháp khác để đáp ứng được nhu cầu vay vốn, phần lớn là loại hình Hộ kinh doanh. Có 7% nhà bán hàng không thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng dù muốn; phổ biến nhất là loại hình Công ty.
Đáng chú ý, số lượng đáp viên ghi nhận sự sụt giảm doanh thu trong nhóm nhà bán hàng gặp nhiều hạn chế khi vay vốn đang chiếm tỷ lệ rất cao (40,54%); tỷ lệ này trong nhóm nhà bán hàng tiếp cận nguồn vốn tốt chỉ là 21%.
Mặt khác, nhóm nhà bán hàng chủ động được nguồn vốn cũng tin tưởng việc kinh doanh sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024, 43% trong số đó có dự định mở rộng kênh bán hàng và đa dạng mặt hàng kinh doanh. Điều đó cho thấy, vai trò quan trọng của nguồn vốn trong duy trì hoạt động của ngành bán lẻ, góp phần quyết định khả năng gia tăng doanh thu, mở rộng kênh bán của nhà bán hàng.
BÁN HÀNG ĐA KÊNH LÀ “CỨU CÁNH”, CHUYỂN KHOẢN NGÂN HÀNG BÙNG NỔ
Trong năm quan, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn tiếp tục được nhiều đơn vị áp dụng. Thống kê có tới 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh- tại cửa hàng và một số kênh online. Sàn thương mại điện tử tiếp tục là kênh bán hàng online được sử dụng nhiều nhất trong ngành bán lẻ.
Điểm nhấn đặc biệt trong năm 2023, các nhà bán hàng có xu hướng mở rộng thêm kênh TikTok Shop (tỷ lệ người kinh doanh bán chủ yếu trên kênh TikTok chiếm 5,9%, tăng nhẹ so với năm 2022).
Bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh" trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tại các thành phố lớn đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên các sàn thương mại điện tử lớn, sự thay đổi về thuật toán trên các mạng xã hội- ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị, chào bán sản phẩm của ngành bán lẻ.
Cũng trong năm qua, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang chiếm lĩnh ngành bán lẻ. Chuyển khoản qua số tài khoản ngân hàng đứng top 1 phương thức thanh toán được ưa chuộng của nhà bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên website và bán hàng đa kênh.
Dấu ấn trong năm 2023 của hình thức thanh toán trong ngành bán lẻ là sự bùng nổ của chuyển khoản ngân hàng, bao gồm chuyển khoản bằng số tài khoản và chuyển khoản qua quét mã VietQR.
Theo kết quả khảo sát, có tới 43,8% nhà bán hàng đang chấp nhận phương thức thanh toán qua chuyển khoản, trong đó 15,33% nhà bán hàng chuyển khoản qua hình thức quét mã VietQR. Trên thực tế, các nhà bán hàng luôn trang bị mã VietQR để khách hàng hay shipper chuyển khoản bất cứ lúc nào.
Các ngân hàng thương mại cũng liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ nhà bán hàng, như tạo mã QR chuyển tiền nhanh, tặng bảng trưng bày tại cửa hàng in mã QR. Đồng thời, các ngân hàng cũng kết hợp với các đối tác phần mềm quản lý bán hàng để mở rộng tính năng như: tạo mã QR động (phần mềm tự sinh mã QR theo số tiền khách hàng cần thanh toán), mở tài khoản nhận tiền nhanh ngay trên phần mềm quản lý bán hàng, các chương trình kích cầu chi tiêu không dùng tiền mặt,...
3 XU HƯỚNG DẪN ĐẦU BÁN LẺ NĂM 2024
Mặc dù dự báo năm 2024 còn nhiều khó khăn tác động tới phát triển nhưng qua kết quả khảo sát, khoảng 75% nhà bán hàng đặt kỳ vọng thị trường năm 2024 sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng.
Trong ngành bán lẻ, dự định phổ biến nhất của nhà bán hàng là mở rộng kênh bán (29,37%) lên các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo (27,07%); tiếp đó là các sàn thương mại (21,96%) và TikTok Shop (20,66%). Trong ngành thực phẩm và đồ uống FnB, các chủ nhà hàng, quán cafe lại phần lớn lựa chọn việc đa dạng hoá mặt hàng kinh doanh (40,9%).
Kênh bán hàng được lựa chọn mở rộng nhiều nhất là kênh mạng xã hội (33,3%). Với 3 app đặt món phổ biến hiện nay, các đáp viên lựa chọn mở rộng kinh doanh lần lượt là Shopee Food (23,6%), GrabFood (12,4%) và Go Food (6,7%).
Từ kết quả khảo sát, báo cáo đưa ra dự đoán 3 xu hướng sẽ dẫn đầu ngành bán lẻ trong năm 2024.
Thứ nhất, mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Những năm gần đây, bán hàng đa kênh đang thể hiện ưu thế về hiệu quả doanh thu và chi phí tiếp thị. Theo xu hướng chung, nhà bán hàng sẽ đẩy mạnh mở rộng kênh bán để giảm bớt áp lực chi phí trên một kênh.
Thứ hai, Shoppertainment & Edutainment là xu hướng không thể bỏ qua trong ngành bán lẻ. Mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số mang tính chất giáo dục sẽ đi kèm với tiếp thị sản phẩm.
Thứ ba, hình thức thanh toán qua mã QR sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong số các hình thức thanh toán không tiền mặt. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với mảng bán lẻ của các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính để bắt nhịp xu hướng thanh toán của thị trường, đưa ra các giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nhà bán hàng và người mua hàng.