Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện về Việt Nam trong tháng 12 đạt hơn 727 triệu USD, giảm 19,8% so với tháng 11/2023. Lũy kế cả năm 2023, nước ta chi hơn 8,7 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện, giảm 58,6% so với năm 2022.
Về cơ cấu thị trường nhập khẩu, bức tranh nhập khẩu điện thoại và linh kiện đã có sự thay đổi về nhà cung cấp lớn nhất. Nếu như trong năm 2022, Hàn Quốc là nhà cung cấp lớn nhất với hơn 11,4 tỷ USD, tương đương với hơn 54% thị phần và Trung Quốc đứng thứ 2 với hơn 8 tỷ USD, tương đương hơn 38% thị phần thì bước sang năm 2023, vị trí hoàn toàn đảo ngược.
Hết năm 2023, Trung Quốc là thị trường cung cấp điện thoại các loại và linh kiện lớn nhất cho Việt Nam, đạt trị giá hơn 7,2 tỷ USD, chiếm thị phần 83% tuy nhiên giảm 10% so với năm 2022.
Cũng trong năm 2023, trị giá nhập khẩu điện thoại và linh kiện từ Hàn Quốc giảm mạnh 95% xuống còn hơn 523 triệu USD, chiếm tỷ trọng chỉ 6%.
Bên cạnh 2 thị trường chính này, Việt Nam còn nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hong Kong (Trung Quốc) hơn 21 triệu USD, Đài Loan (Trung Quốc) hơn 11,8 triệu USD và Mỹ hơn 9,8 triệu USD.
Về thương mại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD. Bên cạnh đó nước ta cũng nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng công nghệ khác bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm là do nhu cầu trong nước yếu, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng công nghệ và ưu tiên các nhóm hàng thiết yếu, trong khi các đơn hàng xuất khẩu điện thoại, linh kiện cũng đã giảm mạnh trong năm 2023.
Theo báo cáo từ International Data Corporation (IDC) thị trường smartphone toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2024 với mức tăng trưởng 6% so với năm 2023. Năm 2024, dự báo thị trường smartphone toàn cầu sẽ lạc quan hơn, ước tính 1,17 tỷ chiếc sẽ được bán ra thị trường và sẽ xuất hiện điện thoại tích hợp các công nghệ AI, VR.
Theo phân tích, ngoại trừ Bắc Mỹ, tất cả các thị trường lớn sẽ sự tăng trưởng tốt vào năm 2024, trong khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi sẽ có mức tăng trưởng 6%. Bên cạnh đó Châu Âu dự kiến sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng 7%.
Đối với các thương hiệu điện thoại, trên thế giới, Apple gần đây đã soán ngôi Samsung trở thành hãng điện thoại bán chạy nhất thế giới, chấm dứt chuỗi 12 năm thống trị của đối thủ với doanh số 234,6 triệu máy được bán ra, chiếm 20,1% thị phần. Trong khi đó, Samsung bán được 226,6 triệu máy, chiếm 19,4% thị phần.
Các nhà phân tích cho biết thành tích này đến từ sự thành công của các thiết bị cao cấp như iPhone trong khi hiện nay Samsung phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ tầm thấp như Transsion, Xiaomi, Honor và Google.
Trong quý 3 vừa qua, Apple cũng đã nhắc đến rằng Việt Nam là một trong những thị trường có doanh thu đạt mức kỷ lục trong quý vừa qua. "Chúng tôi đạt kỷ lục doanh thu ở Ấn Độ, cũng như kỷ lục quý ở một số quốc gia gồm Brazil, Canada, Pháp, Indonesia, Mexico, Philippines, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Việt Nam”, CEO Apple Tim Cook chia sẻ trong bài phát biểu sau báo cáo tài chính của Apple quý 3/2023.