Vùng cao xứ Nghệ vốn nổi tiếng với những đặc sản như bò giàng, thịt chua, lợn gác bếp, lạp xưởng... Trong đó, món thịt chua không chỉ được biết đến là đặc sản của dân tộc Thái mà cũng là món ngon nức tiếng của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Mường… Tuy nhiên, hương vị và cách chế biến của mỗi dân tộc lại khác nhau, tạo nên những nét văn hóa ẩm thực riêng của mỗi dân tộc.
"Chin Xôm" - món thịt chua của người dân tộc Thái đã được bà con lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trước đây, thịt chua được bà con chế biến từ thịt thú rừng như nai hay thịt lơn rừng, còn ngày nay chủ yếu được làm từ thịt lợn sạch. Những miếng thịt ngon được lựa chọn kỹ lưỡng để làm thịt chua như thịt mông, thịt nạc vai... Sau khi làm sạch được thái thành miếng nhỏ và đều. Một trong những nguyên liệu không thể thiếu của món ăn này chính là thính.
Thính được làm từ gạo rang vàng xay nhỏ. Khâu rang thính là khâu tạo nên sự thành công cho món ăn này. Thính rang phải đảm bảo yêu cầu rang kỹ đến khi dậy mùi thơm, ngả màu vàng nhưng không được để cháy. Thịt sau khi được thái lát mỏng sẽ được ướp gia vị và trộn đều với thính. Sau khi đưa vào các ống nứa và hộp để lên men, thịt chín, có mùi chua và thơm ngon tự nhiên.
Một trong những địa chỉ bán đặc sản thịt chua uy tín tại Quế Phong là cơ sở sản xuất Cường Hoài (ở khối 5, thị trấn Kim Sơn). Sản phẩm thịt chua Cường Hoài đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP (đợt 2) năm 2022 đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Điểm đặc biệt trong chế biến thịt chua gia truyền của hộ kinh doanh Phạm Thị Hoài là sử dụng thịt lợn sạch vừa mới mổ, sau khi được ủ cùng các gia vị "độc quyền", các loại lá, thính rang thì món thịt chín tự nhiên và sau 4 - 5 ngày là có thể thưởng thức hoặc đãi khách.
Thịt chua nên để tủ mát, thịt được nén chặt nên khi lấy ra đĩa, thật nhẹ nhàng và bóp đều cùng hành tây, lá chanh thái mỏng. Hãy thưởng thức thịt chua cùng lá vả hoặc sung, lá đinh lăng. Lấy một miếng thịt chua, gói vào trong một chiếc lá và chấm vào chén nước tương. Cái vị ngọt của thịt, vị thơm của thính, giòn sần sật của bì lợn hòa quyện với vị bùi của lá sung, lá vả chấm cùng tương ớt hoặc nước mắm tạo thành một hương vị rất hấp dẫn. “Ngoài việc sử dụng trực tiếp thì thịt chua còn được người dân tộc Thái dùng để nấu canh, chấm rau sống hoặc xào lên ăn cùng với cơm nóng cũng rất thơm ngon”, chị Hoài cho biết.
Nhờ đạt chứng nhận OCOP, lợi nhuận của hộ kinh doanh Phạm Thị Hoài năm 2022 lên đến 600 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho một số lao động địa phương, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024, thịt chua Cường Hoài dự định sản xuất thêm nhiều hương vị thịt chua khác nhau phù hợp với nhu cầu khách hàng và có kế hoạch mở rộng cung cấp cho các điểm bán tạp hóa, cửa hàng đặc sản và siêu thị trong tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành phố lân cận.
Việc đặc sản bò giàng Kỳ Sơn, Tương Dương, thịt chua Quế Phong cùng các thực phẩm khác ở các huyện vùng cao như rượu nếp cẩm Con Cuông, cam bù Anh Sơn, rượu Mú Từn…, được cấp chứng chỉ OCOP, không chỉ tạo thêm nguồn thu, việc làm cho nhiều gia đình ở các huyện mà còn thúc đẩy chăn nuôi, du lịch địa phương phát triển, lan toả hình ảnh của các huyện vùng cao, trở thành sứ giả văn hoá của địa phương.
Hiện nay đại diện các sở ban ngành huyện Quế Phong nói riêng cũng như tỉnh Nghệ An nói chung đã làm tốt công tác tuyền truyền, giúp nhiều hộ sản xuất thịt chua trên địa bàn thực hiện rất tốt khâu quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, Trung tâm lên kế hoạch thường xuyên thực hiện các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đẩy mạnh hướng dẫn, thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến có sản phẩm đạt chất lượng hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thẩm định để nhanh chóng đưa sản phẩm vào bày bán tại trung tâm thương mại, siêu thị. Từ đó, các doanh nghiệp có thêm đầu ra ổn định, nâng cao thương hiệu OCOP của tỉnh Nghệ An.