Với đa số đại biểu tán thành, chiều ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo quy định của luật, các loại tài sản phải đấu giá gồm: Quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; Quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định về tần số vô tuyến điện; Quyền sử dụng mã, số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật viễn thông;
Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; Tài sản của doanh nghiệp phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; Nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật...
TIỀN ĐẶT TRƯỚC PHẢI TUÂN THỦ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Liên quan đến tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị đấu giá biển số xe phải thực hiện theo quy trình, thủ tục đấu giá tài sản của Luật Đấu giá tài sản; đề nghị bổ sung quy định đấu giá tín chỉ carbon.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với đấu giá biển số xe, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 của Luật hiện hành theo hướng “việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của việc đấu giá biển số xe cũng như sự thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đối với đấu giá tín chỉ carbon, dự thảo Luật đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai, trong đó có tín chỉ carbon. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khi tổng kết việc thực hiện thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon để có cơ sở đưa loại tài sản này ra đấu giá theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản.
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, ông Thanh cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm b khoản 1a Điều 39 để phù hợp với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định cứng mức tiền đặt trước 20% như quy định tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP hiện nay đang bộc lộ hạn chế, vướng mắc. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 125 của Luật Đất đai năm 2024, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Vì vậy, quy định về tiền đặt trước thuộc trình tự, thủ tục đấu giá nên phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 4 Điều 39 (khoản 25 Điều 1 của dự thảo Luật) về trả lại khoản tiền đặt trước và thanh toán tiền lãi (nếu có) khi người tham gia đấu giá không đủ điều kiện tham gia đấu giá hoặc không trúng đấu giá là rất phức tạp, nhất là đối với tài sản có giá trị nhỏ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định trả lãi tiền đặt trước như dự thảo Luật là kế thừa quy định của Luật hiện hành về thanh toán tiền lãi (nếu có) để bảo đảm quyền lợi của người tham gia đấu giá, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Dân sự về “Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
CHẾ TÀI XỬ LÝ NGƯỜI TRÚNG ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN KHÔNG NỘP TIỀN
Đối với quy định về xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, có ý kiến đề nghị nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm với người trúng đấu giá mà không nộp tiền trúng đấu giá đối với các loại tài sản khác ngoài quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản.
Có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 70 theo hướng người trúng đấu giá phải thanh toán khoản tiền chênh lệch giữa kết quả đấu giá và tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá được tổ chức lại liền kề sau đó, nếu tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá lại thấp hơn.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật chỉ quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá vì đây là 02 loại tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng…
Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.
Ông Thanh nhấn mạnh, đề xuất của đại biểu về việc “người trúng đấu giá phải thanh toán khoản tiền chênh lệch giữa kết quả đấu giá và tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá được tổ chức lại liền kề sau đó, nếu tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá lại thấp hơn” là xác đáng.
Tuy nhiên, việc bảo đảm tính khả thi khi áp dụng cần phải được nghiên cứu, đánh giá. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở tiếp thu khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản, ông Thanh nói.
Về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan, luật quy định rõ: “Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm”.