Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 khu vực phía Nam.
Theo đó, dự án này có mục tiêu xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp, cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu cắt ngang các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến.
Cùng với đó, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến TP.HCM cũng như các cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ và ngược lại.
Danh sách 9 cầu được xây dựng mới gồm Ô Môn, Thới Lai qua rạch Ô Môn; Đông Thuân, Đông Bình qua kênh Thị Đội-Ô Môn; Vàm Xáng-Thị Đội qua kênh Thốt Nốt; Sa Đéc (Nàng Hai) qua kênh Lấp Vò-Sa Đéc; Mộc Hóa qua sông Vàm Cỏ Tây; Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng; Mỏ Cày qua kênh Mỏ Cày và hai tuyến đường dẫn kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 60 (phía Bắc), kết nối với Quốc lộ 60 (phía Nam).
Quyết định này cũng nêu rõ cầu Giồng Găng qua kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng được cải tạo, nâng cao tĩnh không.
Còn cầu bị tháo dỡ, thanh thải là Măng Thít cũ qua sông Măng Thít.
Dự án có tổng mức đầu tư là 2.155,9 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 597,8 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.200 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng và chi phí quản lý dự án.
Cũng theo quyết định này, dự kiến phân bổ vốn năm 2022 là 35 tỷ đồng, năm 2023 là 988 tỷ đồng, năm 2024 là 1.106 tỷ đồng và năm 2025 là 26,95 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý các dự án đường thủy thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lĩnh vực đường thủy là trọng tâm phát triển. Trong Kế hoạch số 13197/KH-BGTVT phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành, để đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, được Bộ Giao thông vận tải khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện thuỷ nội địa chở container; khuyến khích chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa ở khu vực phía Nam; tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối...