Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu và đưa ra giải pháp khi giá sách giáo khoa hàng năm thay đổi và có xu hướng tăng liên tục làm ảnh hưởng rất lớn đến hộ gia đình khó khăn, không đủ điều kiện mua sách cho con em theo học.
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, giá sách giáo khoa được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Giá năm 2012 và văn bản hướng dẫn. Theo các quy định này, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Giá sách giáo khoa do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vừa qua, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giá số 16/2023/QH15 và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024, trong đó, sách giáo khoa được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các tổ chức, cá nhân kinh doanh sách giáo khoa định giá cụ thể nhưng không cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và phải bảo đảm phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, quy định tại Luật Giá 2023", Bộ Tài chính thông tin.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024 tới đây, sách giáo khoa sẽ được định giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ, lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường, bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Thời gian qua, giá sách giáo khoa trở thành vấn đề "nóng" khi giá sách theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cao hơn đáng kể giá sách Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.
Do sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, do đó, việc điều chỉnh, điều tiết giá sách giáo khoa là khoản kinh phí lớn và tác động trên diện rộngk; dù thay đổi giá một cuốn sách giáo khoa không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn.
Trước đó, kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo do Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hàng loạt sai phạm, thiếu công bằng, minh bạch trong một số khâu liên quan in ấn, đăng ký giá bán...
Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh sách giáo khoa cũng có một số thiếu sót, vi phạm dẫn đến giá sách giáo khoa đã được nhà xuất bản đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý.
Chia sẻ tại tọa đàm “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?” vừa được tổ chức, ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết theo Luật Giá (sửa đổi), kể từ 1/7 năm nay, sách giáo khoa do Nhà nước định giá. Đến thời điểm này, cơ bản các nhà xuất bản đã gửi bảng kê khai giá cho Bộ Tài chính cho năm 2024 và 2025.
Từ năm học 2024 - 2025, sau khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát chi phí bán hàng và chi phí phát hành, giá của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%; giá của bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2% so với giá cũ.
Đối với sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 được xuất bản lần đầu trong năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã xây dựng và hoàn thành việc kê khai giá theo cơ cấu giá và mặt bằng giá cũng giảm ở các lớp đã xuất bản các năm trước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng việc Nhà nước định giá sách giáo khoa, đưa ra giá trần nhằm giúp người tiêu dùng có những bộ sách giá hợp lý. Về phía các nhà xuất bản, nhìn tổng thể chắc chắn cũng không bất lợi, bởi khi Nhà nước xác định mức giá trần, các nhà xuất bản phải có tính toán nhất định để điều chỉnh khâu đầu vào hợp lý hơn.
Đồng thời, trong quá trình triển khai, theo những quy định của Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng tạo nên thị trường sách giáo khoa cạnh tranh lành mạnh và vẫn khuyến khích, tạo động lực để các nhà xuất bản tham gia xuất bản sách giáo khoa.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho rằng các nhà xuất bản không nên bị chi phối quá nhiều bởi việc giá sách cao hay thấp mà cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như đã đặt ra.