January 22, 2022 | 07:00 GMT+7

Ngành Dược: Năm vượt rào cản chống Covid-19

Hà Lê -

Một số chính sách, cơ chế đặc biệt chưa có tiền lệ kỳ vọng sẽ giúp ngành y tế vượt rào cản phòng chống dịch -19 hiệu quả hơn...

Năm vượt rào cản chống Covid-19 của ngành dược - Ảnh sưu tầm
Năm vượt rào cản chống Covid-19 của ngành dược - Ảnh sưu tầm

Diễn biến đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta từ ngày 27/4/2021 đến nay đã gây hậu quả nặng nề về kinh tế xã hội trên hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam.

Phải kiểm soát được đại dịch Covid- 19, bảo vệ sức khỏe người dân đồng thời từng bước phục hồi phát triển kinh tế. Việc đó đưa ngành Y tế đứng trước một thử thách khốc liệt là phải ngăn chặn không để xảy ra khủng hoảng y tế.

VƯỢT RÀO CẢN NHỜ CHÍNH SÁCH

Muốn vậy, ngành Y tế phải có cơ chế để nhanh chóng tập trung huy động được mọi nguồn lực phục vụ chống dịch, và thực tế các chính sách đặc biệt này có thể chưa có tiền lệ trong các quy định của pháp luật như: việc cấp phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc điều trị Covid-19 cho nhanh, kịp thời phù hợp tình hình thực tế.

Nếu không “cấp phép nhanh” và cứ theo từng bước quy trình thì sẽ rất khó cho ngành Y tế trong chống dịch, mà thuốc và nguyên liệu làm thuốc được coi như thứ “vũ khí” quan trọng để chống dịch. GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội nhận xét, chống dịch phải tính theo đơn vị ngày, đơn vị giờ, chỉ cần chậm một chút, “chùng” một chút thì dịch rất dễ leo thang, bùng phát.

Để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế chống dịch, ngày 30/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết tập trung vào 4 nhóm vấn đề mấu chốt của ngành y tế: Khám bệnh, chữa bệnh; Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; Dược; Trang thiết bị y tế.

 

“Những định hướng tích cực thể hiện tại Quyết định 1661/QĐ-TTg nếu được thi hành sớm chừng nào thì bệnh nhân có thể hưởng lợi sớm chừng nấy và chúng tôi hy vọng những chính sách này sớm được đưa vào quá trình bổ sung, sửa đổi quy định, cụ thể như Luật Dược một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Y tế xác định cho năm 2022"

Ông John-Paul Pullicino, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam

Nghị quyết chỉ rõ, trong khám chữa bệnh Covid-19, có thể huy động sinh viên, học sinh, người đang học sau đại học của các trường thuộc ngành Y tế, người đang chờ cấp phép hành nghề khám chữa bệnh… Quy định một số việc khi thanh toán điều trị bệnh Covid-19, huy động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia xét nghiệm, chữa bệnh với giá cả dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền quy định, người dân tự lấy mẫu làm xét nghiệm, việc bình ổn giá trang thiết bị phòng chống Covid-19...

Đặc biệt quan trọng là các quy định về việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19. Nghị định còn nêu rõ những vấn đề liên quan tới việc sản xuất, nhập khẩu, thuốc nguyên liệu làm thuốc, gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cấp phép giấy phép lưu hành thuốc chữa bệnh Covid-19...

Như vậy, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội là một sự nhạy bén, giúp ngành Y tế vượt rào khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong khuôn khổ tuân thủ các quy định hiện hành. Đồng thời, phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch mới: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phát triển kinh tế.

CƠ HỘI THÀNH TRUNG TÂM SẢN XUẤT THUỐC CỦA ASEAN

Bàn về “cấp phép nhanh”, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc “cấp phép nhanh” phải rõ ngày là cần thiết và nên khác với mọi giấy phép lưu hành khác. Rõ ràng Nghị quyết 12 đã tạo hành lang pháp lý giúp Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế có cơ sở đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir có chỉ định điều trị Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết đấy là loại thuốc cần được dùng giai đoạn sớm, để giảm nhanh triệu chứng, không chuyển nặng và giảm nhanh nồng độ virus để cắt sớm nguồn lây. 

Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí, cũng đã chỉ ra rằng với tinh thần của Nghị quyết 12, đã giúp ngành Y tế huy động mọi lực lượng, nhất là lực lượng tại chỗ phục vụ chống dịch. Đây là điều mà GS Nguyễn Anh Trí đã từng nhấn mạnh, để chống dịch thì lực lượng tại chỗ là quan trọng nhất.

Thực tế, vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác, cho thấy tác động của nguồn lực từ các bệnh viện tư nhân, từ các phòng khám, nhà thuốc tư nhân, các nhóm bác sĩ tham gia khám chữa bệnh từ xa vào việc chống dịch Covid-19…rất hiệu quả.  

Ngay việc gia hạn giấy phép cũng vậy, theo quy định tại mục 5, điều 6 Nghị quyết số 12 thì 12.896 giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ ngày 20 tháng 11 năm 2021 vẫn tiếp tục còn hiệu lực, không gây nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung ứng thuốc trong dịch Covid-19.

Ngành Dược: Năm vượt rào cản chống Covid-19 - Ảnh 1

Ông John-Paul Pullicino, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Pharma Group), cho biết về ngắn hạn, Nghị quyết 12 là chính sách rất kịp thời vì cho phép “thực hiện ngay một số cơ chế, chính sách để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như việc đẩy nhanh quy trình đăng ký thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Đặc biệt, là cho phép Giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn do không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì được tiếp tục sử dụng đến cuối năm 2022, nhờ vậy mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất và cung ứng, đảm bảo thuốc chất lượng cao có thể được tiếp tục lưu thông, nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cho người bệnh”.

Cũng cần nói thêm, ngoài Nghị quyết số 12 thì Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BYT ngày 9/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trong đó đơn giản hóa một số thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc ổn định trong bối cảnh đại dịch. Cùng với đó là Quyết định 1661/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 4/10/2021, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, bao gồm 153 quy định thủ tục hành chính và 14 quy định về điều kiện kinh doanh.

Riêng kinh doanh ngành dược có tới 41 thủ tục hành chính được cắt giảm. Nhận xét về Quyết định trên, ông John-Paul Pullicino ghi nhận và “đánh giá cao quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, nhằm bãi bỏ và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược, đặc biệt là việc bãi bỏ thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thực hiện mỗi 5 năm một lần”.

Hy vọng, những bước đi đó sẽ làm thông thoáng thêm môi trường đầu tư kinh doanh cho ngành dược tại Việt Nam. Với những chính sách phù hợp, tương thích với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư ngành dược đến Việt Nam, sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thuốc của ASEAN.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate