Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Theo đó, các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 được Cục Hàng không Việt Nam đặt ra trong các lĩnh vực.
Cụ thể, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm phải đúng trình tự, nội dung, đối tượng, thời gian, định mức, tiêu chuẩn, chế độ của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành bảo đảm công khai, minh bạch.
Thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, phí, lệ phí chuyên ngành hàng không theo đúng Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí, lệ phí và thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính đối với cơ quan nhà nước theo quy định.
Các đơn vị phải chủ động cân đối, sắp xếp nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán được giao để thực hiện nhiệm vụ.
Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước, phí, lệ phí chuyên ngành hàng không được giao trong năm, số thực hiện năm trước, các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung chi cụ thể như văn phòng phẩm, cước phí thông tin liên lạc, sử dụng điện, nước, xăng dầu, công tác phí, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi mua sắm, đầu tư xây dựng các dự án, quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ...
"Cần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và cắt giảm bình quân 10% dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước so với năm 2021, không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp cho người lao động theo quy định để tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị", Cục Hàng không Việt Nam lưu ý.
Hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài đảm bảo phục vụ yêu cầu công tác và phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid – 19.
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư.
Đảm bảo thực hiện đúng các thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ thực hiện dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao.
Trưởng các phòng nghiệp vụ, chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan đến quản lý đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trước pháp luật về tình trạng lãng phí xảy ra đối với công trình, dự án do mình quản lý, tham mưu thẩm tra, tham mưu phê duyệt thực hiện.
Đảm bảo chất lượng và tiến độ của công tác quyết toán dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch được Bộ Giao thông vận tải giao.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu của quá trình đầu tư, đấu thầu. Từ đó, kịp thời phát hiện ra những sai phạm và tránh thất thoát, lãng phí.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản thường xuyên bị "gắc mác" có nhiều tiêu cực, đặc biệt đối với dự án "tỷ đô" cảng hàng không Long Thành đang triển khai, lãnh đạo Chính phủ cũng nhiều lần nhắc nhở Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan tiếp tục cố gắng, tập trung tối đa trong công tác chỉ đạo, điều hành, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Bên cạnh đó, minh bạch hóa quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát chất lượng và bảo đảm hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 202, trong đó cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp, biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt ra.