Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết trong tháng 7/2024, ngành đường Việt Nam đã kết thúc niên vụ sản xuất đường 2023/24. Sản lượng lũy kế từ đầu niên vụ đã ép được 10.953.400 tấn mía, tăng 113% và sản xuất được 1.147.400 tấn đường các loại, tăng 122% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, ngành mía đường vẫn ở thế kẹt…
NHẬP KHẨU ĐƯỜNG SIRO NGÔ VÀ ĐƯỜNG NHẬP LẬU TĂNG MẠNH
Thông tin từ tổ chức ISO cho thấy giá đường thô trên thế giới trung bình tháng 7/2024 là 19,32 USD cent/lb tăng so với mức 19,28 USD cent/lb tháng 6/2024 và mức 18,92 USD cent/lb tháng 5/2024 và giảm so với mức 20,45 USD cent/lb của tháng 4/2024. Giá đường trắng trung bình tháng 7/2024 là 547,89 USD/tấn giảm so với mức 550,99 USD/tấn tháng 6/2024 nhưng cao hơn mức 542,59 USD/tấn tháng 5/2024 và giảm so với mức 589,04 USD/tấn của tháng 4/2024.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tháng 7/2024, thị trường trong nước phản ánh sức cầu sản phẩm đường rất thấp. Trong khi đó, nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023/24. Hơn nữa, thị trường đường còn bị bị thu hẹp bởi lượng lớn đường lỏng siro ngô nhập khẩu khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung, đường sản xuất từ mía của các nhà máy không bán được phải tồn kho. Đường nhập lậu và đường lỏng siro ngô với ưu thế giá rẻ tiếp tục gây loạn thị trường.
"Dữ liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, 7 tháng năm 2024, lượng đường lỏng sirô ngô nhập khẩu lên tới 143.554 tấn, trong khi nhập khẩu 7 tháng cùng kỳ của năm 2023 là 139.845 tấn".
Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam,
Trong tháng 6 và tháng 7/2024 hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, một số trường hợp vi phạm đã bị phát hiện.
Cụ thể, tại Long An, ngày 28/6/2024, ở khu vực đường liên ấp xã Bình Thạnh (cách cột mốc số 200 khoảng 1km) thuộc huyện Mộc Hóa, Đội đặc nhiệm thuộc Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Đồn Biên phòng Bình Thạnh phát hiện 1 người đàn ông điều khiển phương tiện mang biển kiểm soát 71C - 081.02 có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng khai tên Trần Tấn Thanh, SN 1986, ngụ phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An. Tiến hành kiểm tra phương tiện của đối tượng, tổ công tác phát hiện trên phương tiện vận tải có 70 bao đường cát (nhãn hiệu nước ngoài, mỗi bao khoảng 50kg) với tổng trọng lượng đường cát khoảng 3,5 tấn. Đối tượng Thanh không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ, giấy tờ có liên quan để chứng minh tính hợp pháp của số đường cát nói trên.
Tại Tây Ninh, ngày 3/7/2024, ở gần Khu công nghiệp Thành Thành Công, khu phố An Quới, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành khám phương tiện vận tải hiệu HYUNDAI, biển số: 70H-011.39, do ông Lê Văn Tú, ngụ xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng làm chủ. Kết quả phát hiện hàng hoá nhập lậu là đường cát trắng nhãn hiệu MITR PHOL, loại 50 kg/bao do Thái Lan sản xuất, số lượng: 6.400kg, còn nguyên bao. Ông Lê Văn Tú không xuất trình được hoá đơn chứng từ đối với số lượng đường cát nêu trên. Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ số đường cát trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Đồng Nai, ngày 31/7, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 2 tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh H.N, địa chỉ tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa. Kết quả kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh H.N có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu là 60 bao đường cát, loại 50 kg/bao. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 59.400.000 đồng.
Tại TPHCM, ngày 31/7 Đội Quản lý thị trường số 6 trực thuộc Cục Quản lý thị trường TPHCM phối hợp với công an phường 3, quận 6, bất ngờ kiểm tra đột xuất một điểm kinh doanh trên đường Gia Phú. Đoàn kiểm tra phát hiện 40 bao đường cát tinh luyện với trọng lượng 2 tấn do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, cũng như tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ toàn bộ 2 tấn đường cát tinh luyện nêu trên, chuyển hồ sơ đến Cục quản lý thị trương TPHCM để ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
Tại các thị trường tiêu thụ, đường nhập lậu hiện diện nhờ khai thác triệt để khe hở pháp luật trong quản lý mặt hàng đường bị tịch thu bán trở lại thị trường. Các loại đường bị tịch thu bán trở lại thị trường đều có hóa đơn, và chính tờ hóa đơn đó đã trở thành giấy thông hành để các đối tượng có thể thoải mái trao đổi kinh doanh dưới hình thức để nguyên bao bì Thái Lan, hoặc chuyển sang hình thức bao bì đóng cây 12 kg hoặc bao bì các cơ sở đóng gói. Các đối tượng tham gia kinh doanh đường nhập lậu còn đang lợi dụng triệt để việc buông lỏng quản lý về ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc và các ưu thế của thương mại điện tử để kinh doanh đường lậu.
Về tình hình nhập khẩu đường lỏng siro ngô HFCS, năm 2023 đã là năm có mức độ nhập khẩu đường lỏng sirô ngô nhập khẩu cao nhất trong 4 năm gần đây. Với khối lượng nhập khẩu 7 tháng năm 2024 cao hơn cùng kỳ, đường lỏng sirô ngô nhập khẩu tiếp tục làm thu hẹp thị phần đường kính trong ngành nước giải khát.
THỊ TRƯỜNG ĐƯỜNG VIỆT NAM ĐANG THỪA CUNG, TỒN KHO LỚN
Đánh giá tình hình cung cầu đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết tổng nguồn cung đường kính cho nhu cầu nội địa của Việt Nam 2023 là 1.305.018 tấn (gồm sản xuất trong nước 935.104 tấn, nhập khẩu chính ngạch 369.914 tấn).
Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng nguồn cung đường kính cho nhu cầu nội địa đã là 1.336.279 tấn, gồm sản xuất trong nước 1.147.400 tấn, và nhập khẩu chính ngạch 188.879 tấn (chưa tính đường Siro Ngô). Lượng đường này đã lớn hơn tổng nguồn cung đường kính cho nhu cầu nội địa cả năm 2023 là 1.305.018 tấn.
Ngoài ra đến 30/07/2024 khoảng 60% lượng đường sản xuất của vụ 2023/24 vẫn còn đang nằm trong các kho của các nhà máy đường. Như vậy tổng hợp các nguồn cung đường năm 2024 bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu kinh doanh chính ngạch, đường nhập lậu, đường lỏng si rô ngô HFCS đều ghi nhận tương đương hoặc tăng so với cùng kỳ. Năm 2023 đã thừa cung, và tình hình thừa cung tương tự dự báo sẽ diễn ra trong năm 2024.
Nhận định tháng 8/2024 và dự báo trong các tháng cuối năm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023/24 trong khi sức cầu kém vì thị trường bị thu hẹp khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung, khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.
"Đường nhập lậu và đường lỏng siro ngô với ưu thế giá rẻ tiếp tục làm chi phối thị trường. Vấn đề này đang gây sức ép, khiến các nhà máy đường trong nước lâm vào tình thế khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng mía nước ta", Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhấn mạnh.