May 07, 2024 | 19:16 GMT+7

Ngành thuế mạnh tay với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh để trốn thuế

Trâm Anh -

Liên quan đến quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế nhận thấy còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, xuất khống hóa đơn để tăng chí phí đầu vào. Vì vậy, cơ quan thuế đang đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế...

Trong quá trình phân tích các chuỗi mua bán thử nghiệm với mặt hàng tinh bột sắn, cơ quan thuế phát hiện nhiều đối tượng xuất khống hóa đơn.
Trong quá trình phân tích các chuỗi mua bán thử nghiệm với mặt hàng tinh bột sắn, cơ quan thuế phát hiện nhiều đối tượng xuất khống hóa đơn.

Theo số liệu quản lý thuế của Tổng cục Thuế, cả nước có 3,1 triệu hộ và cá nhân kinh doanh; trong đó, số lượng hộ kinh doanh có địa điểm cố định là 1,9 triệu hộ, bao gồm 1,8 triệu hộ khoán và 90 nghìn hộ kê khai.

Cùng với đó, số lượng cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh là 74,8 nghìn; số lượng cá nhân cho thuê tài sản là 77,7 nghìn; số lượng cá nhân kê khai, nộp thuế qua các tổ chức xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp là 1 triệu. Ngoài ra, số lượng cá nhân phát sinh thu nhập là khoảng 29 triệu, trong đó có số thuế thuộc diện khấu trừ là khoảng 7 triệu.

PHÁT HIỆN RỦI RO TỪ PHÂN TÍCH DỮ LIỆU HOÁ ĐƠN

Tổng cục Thuế đánh giá khu vực kinh tế cá thể đã và đang phát triển đa dạng, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của khu vực này khá phức tạp, khả năng tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng của các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh chưa cao. Tình trạng trốn thuế, gian lận thuế còn nhiều, tuân thủ tự nguyện và nhận thức về khai, nộp thuế chưa cao ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.

 

"Trong thực tế, vẫn có tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, vẫn có hộ kinh doanh có doanh thu lớn, sử dụng nhiều hóa đơn, tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Trước thực trạng đó, cần tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh đặc biệt đối với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, hoàn thiện công tác quản lý tuân thủ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân".

Tổng cục Thuế.

Đa số hộ kinh doanh quy mô lớn đã áp dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế theo hình thức kê khai.

Trong khi phần lớn (khoảng 90%) hộ kinh doanh cá thể thường không có hóa đơn, chứng từ mua bán, vẫn đang nộp thuế khoán, tự kê khai đóng thuế khiến doanh thu, mức thuế chưa sát với thực tế nên thất thu thuế là khó tránh khỏi.

Cục Thuế tỉnh Bình Phước từng phát đi cảnh báo rủi ro thuế với 5 hộ kinh doanh cá thể có giao dịch với một doanh nghiệp đăng ký thuế trên địa bàn tỉnh, với giá trị giao dịch lên đến gần 1.000 tỷ đồng thông qua môi giới mua heo giết mổ. Thế nhưng, mức thuế khoán rất thấp, thậm chí, không thu được thuế.

Trước tình trạng này, Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua đẩy mạnh quản lý rủi ro tuân thủ, đây là quản lý và nâng cao tuân thủ về các nghĩa vụ chính của người nộp thuế như: đăng ký thuế, kê khai đúng hạn, khai báo chính xác và nộp thuế đúng hạn.

Chương trình quản lý rủi ro tuân thủ cung cấp cách tiếp cận có cấu trúc để nhận diện các rủi ro, đánh giá rủi ro tuân thủ, xây dựng các biện pháp xử lý của cơ quan thuế đối với các hành vi tuân thủ khác nhau, khuyến khích tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Với xu hướng số lượng người nộp thuế ngày một gia tăng, hoạt động kinh tế phát sinh ngày càng phức tạp, ngành thuế đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế; đồng thời, phòng chống gian lận gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Nổi bật là, thứ nhất, rà soát danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn vượt ngưỡng an toàn.

Ngày 14/6/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2392/TCT-QLRR hướng dẫn các Cục Thuế tổ chức kiểm tra “Danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” theo hệ số K tại ứng dụng hóa đơn điện tử.

Qua báo cáo kết quả rà soát của cơ quan thuế các cấp trong 6 tháng triển khai cuối năm 2023, toàn ngành thực hiện rà soát số lượng lớn người nộp thuế, xác định các trường hợp vượt hệ số K có rủi ro cao như: kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra...

Cảnh báo theo Hệ số K được áp dụng đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, bao gồm cả hoá đơn điện tử từ máy tính tiền.

Thứ hai, rà soát đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai.

Tổng cục Thuế xây dựng ứng dụng đối chiếu tờ khai và hóa đơn đối với người nộp thuế là doanh nghiệp và hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trên phạm vi cả nước.

Theo công văn hướng dẫn, từ ngày 15/5/2023 triển khai chức năng ứng dụng hỗ trợ thực hiện đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế giá trị gia tăng giúp giảm tải công việc cho cán bộ thuế cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát quá trình sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế.

Tính đến ngày 31/12/2023, theo báo cáo của các cục thuế, số thuế giá trị gia tăng mà người nộp thuế đã thực hiện kê khai bổ sung là hàng nghìn tỷ đồng.

Thứ ba, nghiên cứu phát hiện rủi ro qua chuỗi mua bán hóa đơn.

Cơ quan thuế nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới AI, big data để phân tích trên dữ liệu hóa đơn điện tử thông qua thiết lập chuỗi mua bán tinh bột sắn, dăm gỗ, điện thoại di động, máy tính bảng trên toàn quốc và chuỗi mua bán trên địa bàn Hà Nội.

Nhờ đó giúp nhận diện tên hàng hoá dịch vụ, phục vụ phân loại hoá đơn; tìm giá bất thường, phân tích giá bất thường giúp cơ quan thuế phát hiện những giao dịch đáng ngờ của người nộp thuế để tiến hành các biện pháp quản lý nghiệp vụ tiếp theo; xây dựng chuỗi doanh nghiệp có hoạt động mua bán liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cụ thể sau khi tiến hành nhận diện tên hàng hóa dịch vụ.

Trong quá trình phân tích các chuỗi mua bán thử nghiệm, đối với mặt hàng tinh bột sắn, cơ quan thuế phát hiện chuỗi doanh nghiệp có rủi ro cao về xuất khống hóa đơn, trong đó có cả nhóm người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thứ tư, xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro về thuế của cá nhân thông qua tổ chức trả thu nhập.

Công cụ hỗ trợ cơ quan thuế rà soát thông tin người phụ thuộc trường hợp rủi ro, rà soát cá nhân có thu nhập chưa được khấu trừ thuế, chưa khai quyết toán thuế...; công cụ hỗ trợ sẽ tổng hợp thông tin toàn quốc của người nộp thuế để thông báo tổ chức trả thu nhập rà soát lại với cá nhân có thu nhập, kịp thời phát hiện rủi ro, xử lý vi phạm nếu có.

TĂNG TÍNH TUÂN THỦ CỦA HỘ, CÁ NHÂN KINH DOANH

Một điểm khó khăn trong công tác triển khai, đó là các cơ quan quản lý thuế sẽ không thể kiểm tra, thanh tra để xử lý hết những rủi ro tuân thủ phát sinh, vì vậy, ngành thuế đã và đang nghiên cứu xây dựng mô hình tuân thủ có thể giúp xây dựng một loạt biện pháp tuân thủ hiệu quả, từ tuyên truyền, giáo dục cho đến truy tố. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý tuân thủ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ về nghĩa vụ chấp hành thuế, tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ đối với người mua hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai, tạo thuận lợi cho việc đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Thứ ba, nhắc nhở để những người nộp thuế đang suy tính về việc không tuân thủ nhớ rằng luôn có các chế tài xử phạt và truy tố hình sự cho hành vi không tuân thủ trốn thuế, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Thứ tư, công khai thông tin người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế, người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh.

Thứ năm, triển khai xây dựng mẫu tờ khai điền trước cho cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Thứ sáu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân, nhân thân chủ hộ kinh doanh. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tuân thủ người nộp thuế nói chung trong đó có hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Tổng cục Thuế tiếp tục tập trung nghiên cứu để xây dựng một bộ phận có đủ chức năng, thẩm quyền để hoàn thiện, thu thập dữ liệu, phân tích rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tuân thủ đối với người nộp thuế. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate