April 26, 2023 | 14:48 GMT+7

Ngành thuế ứng dụng công nghệ ngăn rủi ro về thuế, tăng thu ngân sách

Trâm Anh -

Đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng thu cho ngân sách, thời gian tới, ngành thuế sẽ tập trung triển khai hoá đơn điện tử, quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử và phát triển các công cụ dữ liệu để quản lý rủi ro về thuế...

Ngành thuế xác định kinh doanh trên nền tảng số là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có nhiều rủi ro về thuế.
Ngành thuế xác định kinh doanh trên nền tảng số là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có nhiều rủi ro về thuế.

Thông tin tại Hội nghị tập huấn triển khai công nghệ thông tin năm 2023, ứng dụng công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi số ngành thuế vừa được tổ chức tại Quảng Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, cho biết trong thời gian qua, ngành thuế tích cực triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Cụ thể, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết ngành thuế triển khai thành công hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, mở rộng triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Đồng thời, triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile, cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử; tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.

Chia sẻ về nhiệm vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế trong thời gian tiếp theo, lãnh đạo Tổng cục Thuế đánh giá là rất nặng nề và cấp bách, đòi hỏi cần sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của cơ quan thuế các cấp.

Theo đó, để tổ chức thực hiện thành công và có hiệu quả các nhiệm vụ công nghệ thông tin, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh đề nghị hệ thống công nghệ thông tin toàn ngành cùng quyết tâm và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và giai đoạn 2023 đến 2025, trong đó, tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; nâng cấp ứng dụng đáp ứng các chính sách mới về hoá đơn điện tử; xây dựng kho cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử.

Cùng với đó, triển khai các giải pháp, công cụ khai thác, phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý rủi ro về thuế.

Hai là, triển khai các giải pháp công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài. Đây là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có nhiều rủi ro về thuế.

Cơ quan thuế các cấp nắm bắt được xu hướng và thực trạng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Từ đó, áp dụng các công cụ và phương pháp mới để xác định, theo dõi và kiểm soát nguồn thu từ hoạt động này.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh và đại diện lãnh đạo các đơn vị trao đổi tại hội thảo.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh và đại diện lãnh đạo các đơn vị trao đổi tại hội thảo.

Ba là, tiếp tục nâng cấp, mở rộng các hệ thống ứng dụng quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế đáp ứng các mẫu biểu tờ khai, các yêu cầu về hoàn thuế, nợ thuế, miễn giảm thuế… theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư số 80/2021/TT-BTC và Thông tư số 111/2021/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa.

Bốn là, duy trì triển khai các dịch vụ thuế điện tử, cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử; nâng cấp ứng dụng eTax Mobile cho người nộp thuế là cá nhân và mở rộng triển khai cho doanh nghiệp.

Năm là, triển khai kết nối, khai thác, sử dụng thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tổ chức chuẩn hoá thông tin đăng ký thuế của cá nhân làm cơ sở triển khai nâng cấp, mở rộng các ứng dụng đáp ứng việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế cá nhân theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Tiếp tục duy trì và mở rộng kết nối, trao đổi thông tin chứng từ, đăng ký thuế, nghĩa vụ tài chính về đất đai, với các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sáu là, tổ chức triển khai 16 dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư công trang bị hạ tầng kỹ thuật, phần mềm hệ thống và xây dựng phần mềm ứng dụng đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa ngành thuế đảm bảo tiến độ, kế hoạch theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

PHỐI HỢP NGUỒN LỰC ĐỂ TRIỂN KHAI

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, ngành thuế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện

Theo đó, cơ quan thuế các cấp, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin ngành thuế tập trung nguồn lực phối hợp triển khai 4 giải pháp sau:

Thứ nhất, phải xác định, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.

Theo đó, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Vì vậy, cần đề cao trách nhiệm và nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan thuế các cấp trong công tác chuyển đổi số. Thủ trưởng đơn vị cần quyết liệt vào cuộc để triển khai mạnh mẽ các hoạt động công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của đơn vị.

Thứ hai, Cục công nghệ thông tin cần cụ thể hóa các nhiệm vụ công nghệ thông tin triển khai trong từng năm, trong đó phân công rõ trách nhiệm của Cục công nghệ thông tin, các vụ/đơn vị nghiệp vụ, cục thuế để Tổng cục Thuế phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện.

Thứ ba, các cục thuế cần chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ công nghệ thông tin; không làm “chiếu lệ”, “hình thức”; phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương và nguồn lực hiện có để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số ngành thuế; coi chuyển đổi số là động lực, mục tiêu nhằm tăng thu ngân sách nhà nước.

Cục công nghệ thông tin cần kịp thời ghi nhận và trình tổng cục nhân rộng các mô hình triển khai thành công, hiệu quả tại cơ quan thuế các cấp để các cục thuế, chi cục thuế khác học hỏi, làm theo.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững.

Do vậy cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu; kỹ năng quản trị vận hành hệ thống công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số và cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate