Năm ngoái, phụ huynh Mỹ đã chi mạnh tay để con em của họ quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè, với mức chi 41,5 tỷ USD để chuẩn bị cho năm học mới - theo ước tính của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF).
Trang CNN cho biết mức chi như vậy tương đương hơn 890 USD mỗi hộ gia đình Mỹ, tăng 12% so với kỷ lục cũ thiết lập vào năm 2021. Giá cả tăng là một phần nguyên nhân khiến mức chi gia tăng, nhưng bên cạnh đó còn phải kể tới những yếu tố như thị trường lao động khả quan, lạm phát giảm tốc, và sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ.
Năm nay, người tiêu dùng Mỹ có vẻ đã trở nên dè dặt hơn. Dù lạm phát tiếp tục dịu đi, họ đã trở nên thận trọng hơn với chi tiêu do cảm nhận ảnh hưởng tích tụ của lạm phát cao kéo dài suốt mấy năm qua và ít nhiều lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế - điều không nằm ngoài dự báo nhưng ít nhiều dẫn tới tâm lý kém lạc quan hơn trước.
Tuy vậy, NRF dự báo rằng chi tiêu mùa tựu trường ở Mỹ năm nay sẽ đạt 38,8 tỷ USD, cao thứ hai trong lịch sử, tương đương 874,68 USD mỗi hộ gia đình.
Con số chi tiêu trên thực tế sẽ là một chỉ báo quan trọng, không chỉ về tâm lý của người tiêu dùng, mà còn về tình trạng sức khỏe của kinh tế Mỹ - nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào tiêu dùng.
“Người tiêu dùng vẫn có ý định ra ngoài và chi tiêu nhiều”, Giám đốc nghiên cứu Mark Mathews của NRF nhận định với CNN, nhưng nói thêm rằng mọi người đã trở nên “rất, rất nhạy cảm về giá cả”.
Vào các thời điểm khác trong năm, những mặt hàng như văn phòng phẩm, quần áo và đồ điện tử thuộc diện chi tiêu tùy nghi. Nhưng thời điểm vào năm học mới lại khác.
“Mùa khai giảng không phải là một sự kiện của chi tiêu tùy nghi, mà là chi tiêu thiết yếu”, ông Mathews nói, nhấn mạnh rằng khi con em tựu trường, phụ huynh phải mua quần áo, giày dép, sách vở và đồ dùng học tập cho chúng.
Dù không thể cắt giảm các khoản chi thiết yếu cho năm học mới, người tiêu dùng Mỹ có thể tìm cách chi tiêu tiết kiệm hơn. Khảo sát của NRF cho thấy 41% người trả lời cho biết họ tìm đến các chương trình khuyến mại.
“Chắc chắn là người tiêu dùng sẽ tìm các chương trình giảm giá. Các nhà bán lẻ cũng nhận thấy rằng khi người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn về giá cả, họ phải triển khai khuyến mại”, ông Mathews phát biểu.
Lạm phát xuống thang có thể giúp ích cho những người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng ở Mỹ. Các chuỗi cung ứng đã trở nên trơn tru và việc người tiêu dùng có khuynh hướng chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ và trải nghiệm đã giúp hãm bớt tốc độ tăng giá của nhiều loại hàng hóa, thậm chí có nhiều mặt hàng đang chứng kiến sự giảm giá.
Giá bán lẻ ở Mỹ được dự báo sẽ giảm 0,7% trong năm nay, sau khi tăng 5,9% trong năm 2022 và tăng 0,6% trong năm ngoái - theo một phân tích của công ty S&P Global Market Intelligence.
Nhiều mặt hàng văn phòng phẩm và đồ dùng học tập thực ra đang rẻ hơn so với năm ngoái, trong đó có cả những mặt hàng giảm giá so với năm 2019 - theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Circana.
Giá giấy nhớ hiện giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái; giá giấy giảm 20%; giá bút màu sáp và bút chì giảm tương ứng 19% và 13%. Giá bút màu sáp và giấy nhớ thậm chí đang rẻ hơn tương ứng 7% và 12% so với năm 2019, cho dù giá của các văn phòng phẩm và dụng cụ học tập khác tăng giá ít nhất 11%.
Trong khi đó, tiền lương bình quân theo giờ và theo tuần ở Mỹ đã tăng với tốc độ cao hơn so với lạm phát trong hơn 1 năm trở lại đây - theo dữ liệu của Bộ Lao động nước này. Đây là một động lực để người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, dù có phần thận trọng hơn trước.
Trong bối cảnh như vậy, chi tiêu cho mùa tựu trường năm nay ở Mỹ sẽ không có nhiều chênh lệch so với năm ngoái - theo ông Duleep Rodrigo, trưởng bộ phận nghiên cứu tiêu dùng và bán lẻ tại Mỹ của công ty tư vấn-kiểm soát KPMG.
“Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tâm lý tích cực của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động mua sắm mùa thu”, ông Rodrigo nói về cuộc khảo sát người tiêu dùng mới đây nhất của KPMG, cho rằng đây có thể là một chỉ báo tốt về mùa mua sắm cuối năm vốn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.