Năm năm sau vụ hỏa hoạn tàn phá Nhà thờ Đức Bà Paris, thế giới lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bên trong di tích lịch sử của Pháp này khi Tổng thống Emmanuel Macron thực hiện chuyến tham quan tượng đài đã được phục hồi. Vị tổng thống đã bày tỏ sự choáng ngợp trước diện mạo mới của Nhà thờ Đức Bà và không tiếc lời ca ngợi công sức của hơn 1.000 nghệ nhân tham gia vào dự án chữa lành "vết thương quốc gia", theo SCMP.
Những hình ảnh về chuyến thăm thực tế cho thấy bên trong nhà thờ mang tính biểu tượng này giống như những gì các tín đồ từng trải nghiệm vào thời trung cổ, không gian rộng mở tràn ngập ánh sáng rực rỡ vào một ngày đông trong lành và đầy nắng, làm bừng sáng những ô cửa sổ kính màu rực rỡ.
"Ngọn lửa ở Nhà thờ Đức Bà là một vết thương quốc gia, và các bạn đã chữa lành vết thương đó bằng ý chí, bằng công việc và bằng sự cam kết", ông Emmanuel Macron nói và nhấn mạnh rằng việc mở cửa trở lại nhà thờ sẽ là "cú sốc hy vọng". Các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ tham dự lễ mở cửa này nhưng danh sách khách mời vẫn chưa được tiết lộ.
Ngọn tháp theo phong cách Gothic thế kỷ 19, bị sụp đổ thảm hại trong trận hỏa hoạn, đã được phục hồi với bản sao chính xác như bản gốc. Ông Macron đã tham quan các khu vực chính của nhà thờ, bao gồm gian giữa, ca đoàn và nhà nguyện, và trò chuyện với các chuyên gia. Đi cùng ông có Tổng giám mục Paris, Laurent Ulrich, cùng với Bộ trưởng Văn hóa Pháp, thị trưởng Paris và các quan chức khác.
Sau vụ hỏa hoạn tàn khốc, ông Macron đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà trong vòng năm năm và khiến nó "thậm chí còn đẹp hơn" trước đây, một mục tiêu mà chính quyền Pháp đến nay cho biết họ đã đạt được.
Khoảng 250 công ty và hàng trăm chuyên gia đã được đưa vào thực hiện công việc trùng tu với chi phí lên tới hàng trăm triệu euro.Tổng chi phí phục hồi lên tới gần 700 triệu euro (tương đương hơn 750 triệu đô la theo tỷ giá hiện nay). Dự án này được tài trợ từ 846 triệu euro tiền quyên góp từ 150 quốc gia trong làn sóng đoàn kết.
Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà thờ Đức Bà Paris cần được trùng tu toàn diện. Được xây dựng vào thế kỷ 13, nhà thờ cần được trùng tu vào thời vua Louis XIV, người bắt đầu công cuộc cải tạo vào năm 1699. Vài thập kỷ sau, đỉnh tháp ban đầu của Nhà thờ Đức Bà đã bị hư hại nghiêm trọng đến mức phải dỡ bỏ vào cuối những năm 1700. Đến cuộc Cách mạng Pháp lần thứ hai năm 1830, những người cách mạng đã phá hủy nhà thờ nghiêm trọng đến mức chính quyền Paris đã cân nhắc đến việc phá hủy tòa nhà cho đến khi có một nhà văn xuất hiện.
"Victor Hugo là lý do khiến nhà thờ vẫn đứng vững", nhà báo người Pháp Agnes Poirier chia sẻ với chương trình 60 Minutes vào đầu năm 2023. Trong một tập sách nhỏ có tựa đề "Cuộc chiến chống lại những kẻ phá hoại", nhà văn Hugo đã viết rằng: "Một tòa nhà có hai thứ: công dụng và vẻ đẹp của nó. Công dụng của nó thuộc về chủ sở hữu, vẻ đẹp của nó thuộc về mọi người; phá hủy nó là vượt quá quyền của một người". Sau khi phát hành tập sách nhỏ của mình, Hugo đã xuất bản tiểu thuyết "Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris" vào năm 1831, được biết đến với tên gọi "Notre-Dame de Paris" bằng tiếng Pháp.
Cuốn tiểu thuyết đã thành công ngay lập tức. Nó không chỉ khiến Quasimodo được biết đến trên khắp nước Pháp, vì các hình minh họa về các nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết được in hàng loạt mà còn biến Nhà thờ Đức Bà thành một biểu tượng. Đến năm 1842, chính phủ Pháp quyết định khôi phục lại nhà thờ, và hai năm sau, họ đã chọn một kiến trúc sư trẻ tên là Eugène Viollet-le-Duc để hoàn thành công trình.
Trong quá trình học kiến trúc, Viollet-le-Duc đã đi khắp nước Pháp, vẽ các bản vẽ chi tiết về các tượng đài và nhà thờ thời trung cổ mà ông nhìn thấy. Do đó khi Viollet-le-Duc thêm một ngọn tháp mới cho Nhà thờ Đức Bà vào năm 1859, nó trông như thể nó là bản gốc của nhà thờ.
Công cuộc cải tạo Nhà thờ Đức Bà của Viollet-le-Duc mất hơn hai thập kỷ để hoàn thành, nhưng công cuộc phục hồi hiện tại chỉ mất năm năm. Những lỗ hổng mà ngọn lửa đã xé toạc trần nhà hình vòm đã biến mất, những khối đá mới đã được ghép lại cẩn thận để sửa chữa và lấp đầy những “vết thương”.
Những thiên thần vàng thanh tú nhìn từ trung tâm của một trong những trần nhà được xây dựng lại, một lần nữa bay vút lên phía trên gian ngang. Những bức tường đá vôi màu kem sáng của nhà thờ trông như mới, không chỉ được lau sạch bụi từ đám cháy mà còn cả bụi bẩn tích tụ qua nhiều thế kỷ.
Những ô cửa sổ ố màu đã lấy lại màu sắc, những bức tường sáng bóng sau khi vết cháy được lau sạch và một chiếc đàn organ được phục chế đã sẵn sàng để chơi trở lại. Những người thợ mộc làm việc bằng tay giống như những người thợ thời trung cổ khi họ đẽo những thanh gỗ sồi khổng lồ để xây dựng lại mái nhà và ngọn tháp đã sụp đổ như một ngọn giáo rực lửa vào địa ngục.
Những thanh gỗ cho thấy dấu vết của công việc thủ công của những người thợ mộc, với những vết lõm trên đồ gỗ do rìu cầm tay của họ tạo ra. Khoảng 2.000 cây sồi đã bị đốn hạ để xây dựng lại khung mái nhà dày đặc và phức tạp đến nỗi chúng được gọi là "khu rừng".
Trong khi mọi nỗ lực đều được thực hiện để giữ nguyên diện mạo ban đầu của nhà thờ, một nhóm các nhà thiết kế và kiến trúc sư quốc tế đã tạo ra một không gian rực rỡ có tác động tức thời đến du khách với dàn nhà lấp lánh và những bức tường mới lau dọn trở nên rực rỡ, trong khi sự kết hợp tinh tế giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo tạo nên ấn tượng gần giống như sân khấu. "Các bạn đã làm được điều mà người ta cho là không thể", tổng thống Macron nói với những công nhân trùng tu và các quan chức có mặt tại Nhà thờ Đức Bà sau khi ông tham quan nhà thờ.
Một cơ chế mới để bảo vệ chống lại các đám cháy trong tương lai, một hệ thống đường ống kín đáo sẵn sàng xả nước trong trường hợp xảy ra thảm họa mới cũng đã được thiết lập. Theo ban quản lý nhà thờ, Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi đón 12 triệu du khách vào năm 2017, dự kiến sẽ đón con số thậm chí còn cao hơn - 14 đến 15 triệu du khách - sau khi mở cửa trở lại. Các bộ trưởng Pháp đã đưa ra ý tưởng thu phí vào cửa đối với khách du lịch, nhưng giáo phận Paris cho biết việc miễn phí vào cửa là một nguyên tắc quan trọng cần duy trì.