Một nhịp hồi khá “gập ghềnh” đã diễn ra trong phiên chiều, chủ yếu phụ thuộc vào khả năng cải thiện giá của nhóm trụ. Thanh khoản rổ VN30 sụt giảm tới 32% so với buổi sáng và toàn sàn HoSE giảm 6,3% cho thấy dòng tiền bắt đáy vẫn rất thận trọng.
VN-Index sau nhiều lần đánh võng cuối cùng đóng cửa vượt tham chiếu 0,54 điểm (+0,04%). VN30-Index khá hơn, chốt tăng 0,28% (+3,68 điểm) với 11 mã tăng/14 mã giảm. Tương quan này trong rổ VN30 là tốt hơn buổi sáng đáng kể (6 mã tăng/19 mã giảm, chỉ số giảm 0,1%).
Thống kê rổ VN30 chiều nay có 18 mã tăng và 8 mã tụt giá so với mức chốt cuối phiên sáng. VIC dĩ nhiên là cổ phiếu đáng chú ý nhất, trụ này cuối cùng cũng “thanh toán” được lượng dư bán giá kịch trần và đóng cửa giá cao nhất, tăng 7%. Đây là phiên kịch trần thứ 2 trong năm 2024 của cổ phiếu này, sau phiên ngày 19/2. Riêng chiều nay VIC giao dịch thêm 103,4 tỷ đồng nữa thì “tắt” thanh khoản, dư mua giá trần còn 853.000 đơn vị. Tính chung cả ngày, VIC khớp 12,75 triệu cổ trị giá 567 tỷ đồng, là kỷ lục cao thứ 2 từ đầu năm, cũng sau phiên ngày 19/2. Mức tăng kịch trần của VIC đem lại 2,8 điểm cho VN-Index và gần 3,4 điểm cho VN30-Index. Tóm lại một mình VIC “cân” cho cả hai chỉ số này.
Xét về biên độ tăng riêng chiều nay, VIC chỉ nhích lên được 1 bước giá cuối cùng, 3 cổ phiếu đảo chiều ấn tượng nhất là MWG phục hồi 2,72% quay lại tham chiếu. CTG tăng 1,6%, đảo chiều vượt tham chiếu 0,72%. MSN tăng 1,45%, đảo chiều thành tăng 0,79% lúc đóng cửa. Các cổ phiếu còn lại nhìn chung đều phục hồi, nhưng biên độ hạn chế. Điều này giúp VN-Index hồi dần lên nhưng không thể bứt phá được.
Thanh khoản rổ VN30 phiên chiều giảm mạnh 32% so với phiên sáng, chỉ đạt 2.891 tỷ đồng, thấp nhất 8 phiên. Điều này khiến rổ này cả phiên vẫn giảm khoảng 5% so với hôm qua. Dù thế VN30 vẫn chiếm 49,4% tổng khớp toàn sàn. Nhóm Midcap giảm giao dịch tới 20%, Smallcap giảm 18%.
Tính chung sàn HoSE, thanh khoản phiên chiều cũng giảm 6,3%, nếu cả HNX, giảm 5,2%. Thanh khoản giảm khiến nhịp phục hồi về cuối phiên lại kém thuyết phục. Dù vậy có trụ nâng đỡ vẫn là một sự bảo đảm không thể chối cãi. Thậm chí yếu như VCB, GAS, BID, VPB cũng đã phục hồi nhẹ so với buổi sáng, một số còn đảo chiều vượt tham chiếu.
Phần còn lại của thị trường cũng hồi giá chút ít. Cuối phiên sáng VN-Index ghi nhận 91 mã tăng/278 mã giảm nhưng đóng cửa là 169 mã tăng/235 mã giảm. Chỉ có điều do dòng tiền hạn chế, biên độ phục hồi cũng không có gì ấn tượng. Cổ phiếu có màu xanh nhiều hơn, nhưng mức tăng so với tham chiếu thì kém. Trong 169 mã nói trên, chỉ có 51 mã tăng được hơn 1%, đại đa số giao dịch rất nhỏ (15 mã khớp từ 10 tỷ đồng trở lên). Ngoài VHM, VIC, VRE, có thể kể tới DXG tăng 1,27%, TCH tăng 1,9%, DBC tăng 2%, HDC tăng 2,53%, CSV tăng 1,44%, VCG tăng 1,59%, PLX tăng 1,13%. Đây là các cổ phiếu thanh khoản hơn 50 tỷ đồng.
Phía giảm giá dĩ nhiên tệ hơn. Dù vài chục mã đảo chiều thành công và khá nhiều mã khác thu hẹp biên độ giảm, nhưng vẫn còn 82 cổ phiếu rơi hơn 1% (chốt phiên sáng con số này là 100 mã). SSI, VIX, HCM, FRT, BID, DGC, VND, HDG… đều thanh khoản hàng trăm tỷ đồng với mức giảm giá mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay đã mua nhiều hơn bán, dù không bù lại hết được giao dịch buổi sáng nhưng cũng giảm vị thế giao dịch tổng thể cả ngày còn -259,6 tỷ đồng. Riêng chiều nay khối này mua ròng 113,9 tỷ. Một số cổ phiếu được mua nổi bật là FPT +121,6 tỷ, MWG +80 tỷ, VIC +64,1 tỷ, CTG +60,1 tỷ, DXG +35,4 tỷ, TCH +20,7 tỷ. Bên bán có TLG -117,2 tỷ từ sáng, HPG -83,5 tỷ, VPB -60,7 tỷ, FRT -43,6 tỷ, KDH -32,1 tỷ, PVD -21,6 tỷ, HDG -30,4 tỷ.