Đây là năm thứ 6 liên tiếp tính từ năm 2016 Tổng cục Hải quan giữ vững vị trí này. Để có được kết quả này, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế hải quan.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. Cùng với đó, cơ quan hải quan tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; thường xuyên đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật, hạn chế vướng mắc, khiếu kiện.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan thường xuyên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính.
Trong năm 2020 và 2021, Tổng cục Hải quan nghiên cứu, đơn vị đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 5% số quy định và 5% chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; trình ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ trong đó cắt giảm, đơn giản hóa 19/29 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 22/52 thành phần hồ sơ của các thủ tục công nhận kho, bãi, cảng, cửa hàng miễn thuế...
Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hải quan số tiến tới mô hình hải quan thông minh.
Cơ quan hải quan xây dựng và vận hành hiệu quả một số hệ thống công nghệ thông tin quan trọng để phục vụ thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan tự động. Đến nay, các thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) với 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc thực hiện, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 -3 giây.
Tổng cục Hải quan cũng ký kết với 44 ngân hàng để phối hợp thu thuế điển tử, số thu đạt khoảng 99,8% số thu ngân sách toàn ngành; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 91% tổng số dịch vụ công. tích hợp 98 thủ tục hành chính lên lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
"Đến nay có 259 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia với hơn 50.000 doanh nghiệp tham gia. Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với 495 doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan", Tổng cục Hải quan cho biết.
"Dự kiến trong 5 năm tới, 92.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng khi sử dụng hệ thống công nghệ thông tin mới của Hải quan sẽ tiết kiệm khoảng 920 tỷ đồng, được khai báo thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ", Tổng cục Hải quan khẳng định.
Tổng cục Hải quan cũng đang tập trung xây dựng hải quan số tiến tới mô hình hải quan thông minh.
Mô hình hải quan thông minh sẽ có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới thông qua hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, nhằm khắc phục nhược điểm của các hệ thống công nghệ thông tin hiện hành. Toàn bộ giao dịch được hệ thống mới xử lý theo cách thức thống nhất, đảm bảo áp dụng nhất quán các quy định pháp luật trong nước và đối xử ngang bằng với tất cả các đối tác thương mại.
Song song với đó, công tác cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành được triển khai tích cực.
Thực hiện đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, cơ quan hải quan là đơn vị vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Với vai trò cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ điều phối các hoạt động cải cách kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành theo kế hoạch của Uỷ ban; thường xuyên chủ động rà soát các quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để kiến nghị các bộ, ngành xem xét xử lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tăng cường công tác điều tra chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra.
Tổng cục Hải quan tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn ngành hải quan chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ khoảng 23 nghìn vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 6.700 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 20 nghìn vụ, thu nộp ngân sách khoảng 500 tỷ đồng; khởi tố 28 vụ, kiến nghị khởi tố 230 vụ.
Đồng thời, thực hiện 235 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị truy thu khoảng 320 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 280 tỷ đồng; tiến hành 2.400 cuộc kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tổng cục Hải quan chủ động ứng phó kịp thời, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.