Dù nỗ lực giúp Thế vận hội trở nên bền vững và thân thiện với môi trường thông qua việc giảm phát thải, một số vấn đề bất cập vẫn dần xuất hiện. Mới đây nhất là tình trạng thiếu thực phẩm cho các vận động viên tại làng Olympic. Theo tờ Daily Mail, nhiều vận động viên đã chọn ăn các bữa trưa đóng gói sẵn thay vì phải đối mặt với các vấn đề về số lượng và chất lượng thức ăn tại làng Olympic.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Olympic Anh, Andy Anson, cho biết: "Ở mỗi kỳ Thế vận hội, thường có hai hoặc ba vấn đề phát sinh. Lần này, vấn đề lớn nhất là thức ăn trong làng vận động viên không đạt yêu cầu. Không đủ một số loại thực phẩm: trứng, thịt gà, một số loại carbohydrate, và chất lượng thức ăn cũng không tốt". Trên mạng xã hội, nhiều vận động viên Trung Quốc đã chia sẻ hình ảnh về những bữa ăn đạm bạc, thiếu dinh dưỡng. Nhiều đoàn thể thao khác cũng lên tiếng về tình trạng này.
Đoàn thể thao Hàn Quốc bày tỏ sự không hài lòng khi phần lớn thực đơn tại làng Olympic là đồ chay. Để khắc phục tình trạng này, đội hậu cần Hàn Quốc đã phải thiết lập một nhà bếp tạm thời tại Fontainebleau để chuẩn bị 150 suất cơm hộp cho mỗi bữa ăn và vận chuyển đến làng Olympic hai lần mỗi ngày. Theo tiết lộ từ một vận động viên, 2/3 trong số 500 món ăn tại làng Olympic là đồ chay, ví dụ như món thịt bò hầm rượu vang đỏ được chế biến từ thịt nhân tạo.
Bên cạnh vấn đề về thực phẩm, BTC Olympic 2024 còn bị chỉ trích khi không lắp đặt điều hòa tại làng vận động viên, và điều này buộc các đoàn thể thao phải "tự thân vận động”. Đội tuyển Vương quốc Anh ước tính đã chi khoảng 70.000 bảng Anh cho một hệ thống điều hòa không khí dành cho các vận động viên của mình. Khoản đầu tư này đã bắt đầu mang lại kết quả, khi các vận động viên lặn Yasmin Harper và Scarlett Mew Jensen giành được những huy chương đầu tiên.
Với nhiệt độ cao tại Pháp vào tháng 7 và tháng 8 năm nay, các đoàn Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản và một số quốc gia phát triển khác cũng đã quyết định cung cấp điều hòa di động cho vận động viên. Điều này làm dấy lên vấn đề công bằng trong thi đấu khi một số quốc gia khác không đủ điều kiện cung cấp điều hòa để vận động viên được nghỉ ngơi thoải mái nhất. Trong khi đó, tác động đối với khí hậu vẫn sẽ không giảm đáng kể, khi hàng nghìn điều hòa di động vẫn được mang đến Pháp. Tờ Los Angeles Times đánh giá động thái này của nước chủ nhà đến từ ý định tốt nhưng xét cho cùng lại là ý tưởng tồi.
An ninh tại thủ đô Paris của nước Pháp cũng đang trở thành vấn đề nóng. Cách đây ít ngày, huyền thoại bóng đá người Brazil Zico tố cáo ông bị cướp tấn công ngay trước một khách sạn ở Quận 19 thuộc thủ đô Paris. Ông này hiện diện tại Paris với tư cách thành viên đoàn thể thao Brazil, tham dự Olympic. Trong túi xách mà ông bị cướp có chứa một vòng cổ đính kim cương, đồng hồ Rolex và một lượng lớn tiền mặt. Tổng giá trị tài sản mà Zico mất đi vào khoảng 500.000 euro (khoảng 13,7 tỷ đồng).
Zico may mắn chưa tổn hại về sức khỏe, nhưng đã có trường hợp người nước ngoài bị tấn công nghiêm trọng tại Paris, xung quanh thời gian diễn ra Olympic 2024. Một số đoàn thể thao lập tức có khuyến cáo nội bộ, rằng các vận động viên, HLV, quan chức thể thao nên thận trọng khi rời khỏi làng vận động viên Olympic. Thậm chí, nếu không có việc thật sự cần thiết bên ngoài thì không nên rời làng.
Chưa dừng ở đó, ngày 28/7, ban tổ chức Olympic bất ngờ thông báo hủy buổi tập của các vận động viên 3 môn phối hợp (chạy bộ, xe đạp, bơi) vì mức độ ô nhiễm trên sông Seine không cho phép các họ ngâm mình trong dòng nước. Ban tổ chức lý giải nước sông Seine ô nhiễm trở lại là do mưa lớn trong những ngày gần đây tại Paris, khiến chất lượng nước ở dòng Seine không thể kiểm soát. Họ cho biết sẽ cố gắng khắc phục, để kịp cho việc thi đấu 3 môn phối hợp vào ngày 30/7 tới đây. Tuy nhiên, kết quả của việc khắc phục thì vẫn còn phải chờ.
Trong trường hợp chất lượng nước ở sông Seine vẫn không được cải thiện đúng kế hoạch, cuộc thi 3 môn phối hợp có thể phải hoãn vài ngày, hoặc chuyển địa điểm thi đấu đến Vaires-sur-Marne, thuộc dòng sông Marne, nằm ở phía đông Paris. Những sự cố này cho thấy vẫn còn điểm "rò rỉ" trong công tác tổ chức Olympic Paris 2024, cho thấy nước Pháp chưa lường hết được những sai sót có thể nẩy sinh trong quá trình vận hành đại hội.
Trước đó, ngay sau lễ khai mạc, nước chủ nhà phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng truyền thông thực thụ liên quan một vài tiết mục trong chương trình. Mọi chuyện bắt nguồn từ một cảnh tượng nhạy cảm liên quan tôn giáo trong show diễn drag queen. Các tín đồ Công giáo, cũng như nhiều tôn giáo khác đã lên tiếng chỉ trích dữ dội. Thomas Jolly - tổng đạo diễn của lễ khai mạc - phải đăng đàn thanh minh rằng buổi diễn chỉ là cổ vũ tinh thần sáng tạo nghệ thuật chứ "không nhằm gây sốc hoặc chế giễu ai cả". Ông khẳng định ý tưởng của cảnh quay nói trên là hướng về thần thoại Hy Lạp chứ không phải đạo Công giáo.
Dù vậy làn sóng chỉ trích vẫn không dứt, kênh YouTube chính thức của Olympic đã phải xóa đoạn video tổng hợp các cảnh quay đáng chú ý về lễ khai mạc Paris 2024. Một số đơn vị tài trợ bắt đầu rút khỏi Olympic Paris 2024. Công ty công nghệ C Spire có trụ sở tại Mississippi (Mỹ) thông báo gỡ toàn bộ quảng cáo khỏi Olympic 2024 sau khi lễ khai mạc diễn ra.
Với riêng ngành du lịch, thực tế ghi nhận Thế vận hội Paris không những không làm tăng lượng khách cho nhà hàng, quán ăn và khách sạn của thành phố, mà còn lấy đi một lượng rất lớn khách du lịch truyền thống trong khi mọi năm đáng nhẽ đây đang là cao điểm của mùa du lịch Paris. Ông Jean-Pierre Reveyrolle, Chủ quán Cà phê Klébert Paris cho biết: "Người ta tới Paris là để thăm Paris. Nếu bị chặn mọi ngả tới những địa điểm văn hoá du lịch, quả là không bình thường. Quảng trường Concorde, bảo tàng Louvre, dọc hai bên bờ sông Seine, khắp nơi đều bị cấm đường”.
John Grant, nhà phân tích trưởng của công ty tình báo hàng không OAG cho biết đó là một hiểu lầm khá phổ biến rằng các thành phố chủ nhà thường thu hút được một lượng khách du lịch khổng lồ ghé thăm trong thời điểm Olympic. Trong khi đó, thực tế là rất nhiều người lại e ngại đến thành phố chủ nhà trong giai đoạn đó. Trong quá khứ, cả London, Athens và Atlanta đều chứng kiến sự sụt giảm lượng khách du lịch mùa hè khi họ đăng cai tổ chức Thế vận hội.
Vào tuần trước, hãng hàng không Air France-KLM thông báo rằng công ty dự đoán doanh thu quý ba sẽ bị ảnh hưởng từ 150 đến 170 triệu Euro do nhu cầu chuyến bay đến Pháp vào mùa hè này giảm mạnh. Tương tự, hãng hàng không Delta Air Lines cũng dự báo sẽ mất tới 100 triệu USD doanh thu do lượng khách du lịch đến Pháp trượt giảm. Giám đốc điều hành Ed Bastian nói với CNBC: “Trừ khi là đi tham dự Thế vận hội, nếu không người ta sẽ không đến Paris”.